Thứ Sáu, 27 tháng 12, 2013

ĐẶC SAN 50 NĂM - ÁO LÍNH SÂN TRƯỜNG

Nguyễn Tôn Phương Khanh

“Ông B biết không. Có một lần tôi đến thăm một người học trò cũ lúc đó làm ăn cũng được. Đến nhà thấy có người trong nhà, tôi chưa kịp lên tiếng thì đã nghe: Chị hỏi ai, tôi thấy chị rất quen, mà chị tìm ai vậy? Được gọi là chị nên tôi bèn gọi lại là anh. Cám ơn, anh nói anh quen với tôi vậy anh quen tôi lúc nào, và quen ở đâu vậy. Sau một hồi cố nhớ, anh ta hớn hở –“ Đúng rồi, chị học cùng lớp với tôi”. Có tiếng cười ồ lên cùng lúc ở phía sau“ Phải rồi, cô giáo trẻ quá nên đã sau gần năm mươi năm gặp lại, được học trò cũ nhận là bạn cùng lớp, vậy là cô giáo trẻ quá rồi còn chi nữa …” Nghe nữ đồng nghiệp kể chuyện như vậy, tôi nghĩ rằng như thế là: em đã không nhận ra cô, bổng tôi sực nhớ linh tinh chuyện của mình.

Không lâu, mới đây thôi, trong một dịp đại hội liên trường, chưa đến giờ khai mạc mọi người còn đang tụm năm tụm ba ngoài sân, hàn huyên tâm sự. Tôi đang đứng với một nhóm anh em cựu học sinh bổng có người đến quàng vai tôi và cùng góp chuyện. Một em trong nhóm lên tiếng “Mi có biết ai đó không? ” Quay lại nhìn tôi, bất ngờ em này chùng người xuống, hai tay nắm lấy bàn tay tôi “Em xin lỗi thầy, em tưởng rằng nay thầy đã già lắm rồi đâu ngờ tóc thầy hãy còn đen…” Tôi thật sự xúc động “Em chẳng có lỗi gì cả, lâu quá rồi, chẳng qua em không nhận ra thầy”. Rồi, như được gợi nhớ, bao nhiêu kỷ niệm như một chùm liên tưởng được dịp kéo nhau hiện về. Những ngày mới ra tù về đi kiếm việc làm, tôi đến tiệm xin kẻ bảng hiệu bị từ chối vì mắt kém, đạp xe thồ thì bị khách chê không rành đường tắc, đi quét vôi các hãng xưởng nhà lầu phải trèo thang cao tuy nguy hiểm nhưng chưa có việc gì hơn nên tôi đành gắng theo nghề này được một thời gian cũng khá lâu, sau đó được một hợp tác xã dệt nhận cho một chân lao động thuê ngoài (không phải là xã viên). Bắt đầu học việc ở khâu kéo trục canh. Do tiếp thu nhanh, tiến bộ khả quan, lần hồi tôi được ban chủ nhiệm giao làm trưởng phân xưởng 3 (một trong 3 phân xưởng của HTX) rồi tiếp đến là trợ lý sản xuất kiêm trưởng ban thi đua, trưởng ban an toàn lao động...

Một hôm, ban chủ nhiệm HTX gọi báo cho tôi biết có phái đoàn thầy cô giáo của một trường Tiểu học tại địa phương đến tham quan HTX, giao cho tôi nhiệm vụ thuyết trình đề tài: dây chuyền sản xuất của các phân xưởng. Tôi có được hai tấm bảng đen, một mớ phấn trắng và màu các thứ, tha hồ viết chữ, vẽ hoa vẽ lá trang trí hội trường chào mừng phái đoàn.

Chuẩn bị cho buổi thuyết trình khai diễn, tôi sắp xếp lại các dãy ghế và mời các thầy cô giáo ngồi, bỗng một cô giáo bước lùi lại: “thầy cứ để em tự nhiên…” Tim hồi hộp nhưng tôi tin tôi đã không nghe lầm và kịp nghĩ rằng trong thâm tâm cô giáo trước thái độ của tôi lúc bấy giờ: thầy đã không nhận ra em, bỗng dưng tôi đâm ra lo sợ, suy nghĩ mông lung rồi tôi cũng quên không biết buổi thuyết trình hôm ấy kết quả ra sao.

Về nhà, kể chuyện cho vợ con nghe và dặn dò từ nay đi làm, tôi sẽ phải đi sớm hơn, về tối hơn, mũ rộng vành tôi kéo xuống thấp hơn, đổi lộ trình, nếu tối không về thì cứ theo lộ trình tôi chỉ mỗi ngày mà đi tìm hỏi thăm tin tức tôi. Đem chuyện này nói lại với ông phó chủ nhiệm HTX, ông này là bà con gọi tôi bằng chú “chú cứ yên tâm, cháu sẽ tìm cách che chở chú nếu có công an hỏi đến chú ”. Thấp thỏm từng ngày sợ bị công an khu vực gọi, và nếu lần này bị gọi sẽ phải trả lời ra làm sao. Trước đó có một lần xe đạp bị hỏng tôi ghé vào một tiệm vá xe, nào ngờ đụng đầu ngay anh CA khu vực. “Ủa sao anh còn ở đây? “. – Thưa tôi tranh thủ chạy về thăm gia đình một bữa.

Chuyện là khi tôi được cho ra tù, phải về trình diện nơi sinh quán (trong nhà quê Điện bàn), không đựơc ở lại Đà nẵng mặc dầu lúc trình diện học tập tôi đã cư trú tại đây từ năm 1968. Nại ra đủ thứ lý do để xin trì hoản ở lại, cuối cùng đồn CA trả lại giấy tờ buộc tôi phải về trình diện nơi sinh quán, dứt khoát không được ở lại Đà nẵng. Không biết làm sao, tôi đánh liều tìm cách nấn ná, tránh mặt người quen, luồng lách để ở lại với gia đình, gặp trường hợp bí quá thì giả bộ đau xin được ở gần để nương náu vợ con. Nhiều anh em gợi ý cho tôi phương án tháo gở nhưng vì nghĩ rằng sức mình không cho phép cứ lai rai chịu trận, đành buông xuôi theo rủi may của số phận.

Rồi miên man …Nhớ ngày trình diện học tập cải tạo, tôi cùng đi với đa số anh em đồng nghiệp ở Phan chu Trinh. Tin lời các cán bộ giáo dục huyện trong dịp “ tiễn đưa”: “các anh đi học tập ngắn ngày để còn kịp trở về giảng dạy cho niên khóa tới (1975-76)” nên có vài anh em mang theo vợt tennis, đàn guitar mong tìm khuây hoặc có đôi phút giây phiêu lãng trong khúc quanh của cuộc đời.

Tập trung tại Kho đạn Chợ cồn mấy tháng thì sau đó được chuyển lên trại An điềm. Trên xe GMC bịt bùng, anh em chúng tôi đứng chật như nêm. Chỗ tôi đứng lại kề sát thành xe, mỗi lần bánh xe trườn qua trượt lại trên đường quê lầy lội thì xe nghiêng hẳn hết bên này rồi đến bên kia, mỗi lần xe nghiêng thì cả khối người trên xe biến thành một sức ép khổng lồ đổ lên người tôi cấn vào thành xe, tôi có cảm tưởng như bị gãy xương sống, nghẹt thở, đứt ngang người. Quá sức chịu đựng, tôi la to đau đớn, bỗng có người cố hết sức đẩy tôi vào giữa. Chẳng biết ai là ân nhân, tôi chỉ biết thầm cám ơn Trời Phật.

Hết đường cho xe chạy, tất cả chúng tôi xuống xe tiếp tục lội bộ, cả một đoàn người dài lang thang lếch thếch, ướt đẩm mệt nhòi. Đến nơi, mọi người được lệnh nghỉ ngơi chờ nhập trại. Một người bạn đến gần giúp lặt vặt cho tôi và bảo nhỏ “thầy còn nhớ em không?” Nhận ra nhau, mừng quá sức, thì ra P.C đã là ân nhân của tôi vừa rồi. Lạy Trời, đâu ngờ “thầy trò mình lại gặp nhau đây!” P.C và tôi lại may mắn được trại phân ở chung một đội. Thời gian đầu chúng tôi được dẫn đến các vùng đất hoang hóa lâu ngày để nhổ cây ngủ ngày (cây trinh nữ, cây mắc cở), đào bỏ các gốc lau sậy, gốc bói, gốc đế để lấy đất canh tác. Cây ngủ ngày mọc tràn lan trong hoang dại từ lâu nên gốc khá lớn, gai nhọn um tùm, hai bàn tay bị gai đâm nhức nhối đau đớn vô cùng, hai anh em nhìn nhau cười ra nước mắt.

Khoảng chừng ba tháng sau đó, trại cho gọi tôi lên văn phòng gặp ông giám thị trưởng. Ông ta hỏi tôi trước đây làm nghề gì. Thưa ông tôi đi dạy học. Được rồi, ngày mai anh không đi sản xuất, ở nhà chờ lệnh tôi. Khỏi nói ra đây bao nhiêu suy nghĩ âu lo cho thân phận người tù.

Trưa hôm sau có cán bộ dẫn tôi lên văn phòng ông giám thị, cùng lúc đó nhìn xuống sân trại tôi thấy đông người lố nhố vừa mới nhập trại. Ông giám thị chỉ cho tôi thấy đó là các cải tạo viên hình sự, tôi giao cho anh làm đội trưởng, anh có thể về mang đồ đạc đến ở chung với họ mà tôi nhắc anh nhớ quản lý thật tốt đấy nhé. Có gì cần anh báo cho tôi.

Hôm sau tôi đề nghị và được trại chấp thuận cho chọn anh P.C làm đội phó. Đội mang tên là đội hình sự. Hai anh em hợp tác với nhau trước mắt lo tổ chức đội với 123 con người toàn là lớp trẻ mà về sau dần dần tôi mới biết các em thuộc các thành phần trộm cắp, xì ke ma túy, vượt biển và một số do gia đình gửi đi cải tạo.

Công việc làm của đội mỗi ngày là đào đất gánh đất cắt hạ thấp ngọn đồi, kéo ban đất trải rộng mặt bằng để sau này thiết lập khu trại mới gồm nhiều dãy nhà xây gạch, lợp ngói. Chừng nửa năm sau, hình sự tiếp tục được chuyển thêm đến trại và anh P.C được trại gọi chỉ định làm đội trưởng, thành lập đội hình sự thứ hai. Vậy từ nay trại có hai đội hình sự Đội 1 HS do tôi làm đội trưởng và đội 2 HS do anh P.C làm đội trưởng.

Hai đội HS cùng làm chung công việc giống nhau cho đến khi khu trại mới hình thành gồm nhiều dãy nhà gạch khang trang bề thế. Trại bắt đầu tiếp nhận số “ngụy quân ” từ Kỳ sơn chuyển về đặt thuộc quyền quản lý của công an thay cho chế độ quân quản từ trước.
Công việc làm trong trại coi như tạm ổn, các đội hình sự được cho ra ngoài tham gia sản xuất. Liên tiếp nhiều ngọn đồi và thung lũng lần hồi bị phá sạch, đốt sạch biến thành nương rẫy để cấy lúa, trồng khoai, tỉa bắp, tỉa đậu phụng, trồng sắn, trồng mía v.v…

Nếu không có xảy ra các vụ trốn trại linh tinh thì thành tích thi đua sản xuất của các đội hình sự không kém gì các đội chính trị.

Hai đội HS được bố trí ở hai dãy nhà liền nhau nên cũng có sự gần gủi biết nhau.

Ban ngày đi làm, tối về họp kiểm điểm công tác trong ngày, chuẩn bị công tác cho ngày mai và thảo luận học tập rút ưu khuyết điểm trong sinh hoat của đội về mọi mặt.

Các đội viên thường nêu thắc mắc với tôi về quyền lợi của đội, than phiền rằng đội mình ít khi được trại phân công đi làm ở những vùng có điều kiện cải thiện linh tinh (đi hái rau rừng , bứt rau má , nhổ cải tàu bay, bẻ ớt hiểm, bắt con ếch con nhái mà nhất là được mót sắn mót khoai).

Nếu được phân công đi làm ở những nơi gần các đồi sắn của bộ đội trồng trước đây đã thu hoạch rồi, chỉ cần quản giáo cho phép đội càn qua chừng mười phút là đã có thể mót được đủ cho một bữa sắn luộc no nê cho cả đội. Tôi trấn an anh em đấy là chuyện hên xui chứ chẳng phải là ưu tiên trại dành riêng cho đội nào cả, mai mốt sẽ có thể đến phiên đội mình thôi. Tuy vậy tôi vẫn không loại trừ một chút hoài nghi đội 2HS càng ngày càng được lòng các quản giáo.

Một hôm, như mọi lúc, xong việc cuối ngày, trên đường về trại, anh em trại viên được cho xuống suối tắm giặt. Thình lình một loạt AK chát chúa nổ rất gần, đây đó nhiều loạt súng khác nổ trả lời tiếp ứng và nghe quản giáo hô to “trốn trại, tất cả lên bờ tập họp” cùng với tiếng lách cách của các khẩu AK cho đạn lên nòng.
Tôi cho đội tập họp điểm danh, báo cáo cán bộ: thiếu một người! Rừng chiều chợt ảm đạm thê lương, lòng nặng trỉu ê chề, ngày về e càng mịt mờ xa thẳm!

Ngày hôm sau, đội tôi bị cấm trại họp kiểm điểm gắt gao, rà soát kỷ tư tưởng và từ nay không được ra ngoài đi làm nữa , quanh quẩn trở lại việc đào đất và gánh đất đắp đường, làm nền trong phạm vi trại. Bản thân tôi bị gọi liên miên, chịu trách mắng và làm kiểm điểm khờ người.

Đội vẫn tiếp tục giữ sinh hoạt bình thường nhưng tinh thần anh em như bị tê dại. Dần dần nhiều anh em rĩ tai cho tôi biết rằng lâu nay các đội viên đội 2 thường hay hỏi thăm tin tức như muốn tìm hiểu tình hình của đội mình. Thoáng trong đầu tôi nghĩ, có lẻ âm mưu trốn trại của con người xấu số đó đã bị đội bạn theo dõi phát hiện mà tôi không hề hay biết để kịp tránh một hậu quả thê thảm đau lòng. Em này bị bắn chết ngay khi từ dưới suối vừa chồm lên bờ chực bỏ chạy cách khu vực tắm chừng năm chục mét.

Một ngày chủ nhật, lần này được ở nhà, cả đội đang nghiêm túc ngồi nghe tin tức được phát qua loa phóng thanh, anh trưởng ban thi đua của trại đưa đến môt trại viên vai mang balô, cho biết do lệnh của ban giám thị bạn này đến nhập vào đội này. Thỉnh thoảng vẫn có trường hợp các trại viên của các đội chính trị vì vi phạm nội quy kỷ luật gì đó nên bị trại chuyển đến đội hình sự như là một biện pháp cảnh cáo.

Tôi nhận ra ngay đây là TD, người học trò cũ cũng vừa là người hàng xóm rất dễ thương. Nhìn nhau vui vẻ và thầm nghĩ: anh em mình đã kịp nhận ra nhau.
Trắng trẻo cao ráo đẹp trai, mấy hôm sau, không cần biết vì lý do gì chuyển đội tôi đề nghị anh TD làm đội phó. Tuy không nói ra, trong thâm tâm mỗi người biết rằng hai anh em vốn đã có sẵn cảm tình của nhau từ lâu. Biết rõ quá trình của đội vừa mới gặp khó khăn, hai anh em nguyện quyết tâm phấn đấu lấy lại tinh thần cho đội. Không lâu sau đó nhiều đội viên của đội 1 được trại tuyển chọn đưa về Đà nẵng làm phụ hồ cho công trình xây cất Ty Công an thành phố. Không bỏ trốn, lại được phép về thăm nhà, xong công tác, các em trở về đầy đủ.

Chưa kịp san sẻ niềm vui, anh TD lại được trại điều về phụ trách công việc nhà bếp và tiếp đến chuyển về phụ trách kho. Trong thời gian làm việc ở nhà bếp, TD thỉnh thoảng mang biếu tôi mấy lát thịt rừng do cán bộ gửi cho anh ta, anh xén bớt chia sẻ lại cho tôi. Đôi khi tôi còn có được chén canh cá do cán bộ nổ lựu đạn ở các khe suối hoặc tát hố bom, TD cũng bưng tới, thật thân thương. Khi chuyển về kho thì việc TD đi lại với tôi thưa dần.

Cho đến một ngày sau khi ra tù, đi làm, sáng sớm tôi ghé vào quán mua chút gì cho bữa ăn trưa (bánh chống đói) , bất ngờ gặp TD . Hai anh em mừng rở vô cùng, TD bao tôi chầu cà phê, hàn huyên tâm sự và cuối cùng trước khi chia tay, TD, bằng cái siết tay thật chặt, liếc mắt nhìn quanh và ghé tai nói nhỏ “chắc anh không hề biết trong những ngày sinh hoạt chung trong đội và đi lại với anh, em được trại bố trí tiếp tục theo dỏi anh nhưng may mắn quá cho đến khi em về, anh em mình không hề xảy ra điều gì đáng tiếc, xin chúc mừng nhau”

ĐÔNG GIANG, chung một mái trường, các thầy cô giáo lần lượt bước vào rồi thảng hoặc cũng có bước ra nhưng ai nấy, ở hay đi, rồi ra cũng không còn sôi nổi nữa mà an phận như đã chọn đúng nghề hoặc đã rửa tay gác kiếm. Học sinh thì lại khác, lần lượt từng đoàn các em kéo nhau vào rồi lần lượt từng đoàn các em kéo nhau ra, tung đi khắp bốn phương trời say mộng sông hồ, ấp ủ ước mơ …

Sau một lần tan đàn sảy nghé hải hùng, kẻ ở, người đi, kẻ còn người mất, như bầy chim bị đạn, đành bỏ nơi mình không hề muốn bỏ, đến một nơi mình chưa hề định đến, thầy trò tản mát khắp nơi không hề hẹn gặp. Thế nhưng rồi ngày qua ngày, từng cánh chim, dù chưa mỏi cánh, vốn đã quen hơi bén tiếng, lần hồi tìm gọi họp đoàn, quốc nội, hải ngoại nối lại mối dây thân ái. Nửa thế kỷ đã qua còn chi nữa, có cơ hội được gặp lại nhau bảo làm sao tránh khỏi ngỡ ngàng, lắm khi còn xa lạ, quên quên nhớ nhớ hẳn là chuyện bình thường.

Em không nhận ra cô chẳng phải vì em đang làm ăn khá, chẳng phải vì em muốn phủ nhận tình thầy trò thay vào bằng tình bạn hữu, đồng môn, chẳng phải vì bất cứ lý do gì mà cuối cùng chỉ vì em vốn đã có định kiến thời gian luôn là thủ phạm của tàn phai! mà cô đang là ngoại lệ!

Em không nhận ra thầy, ai cho rằng em là có lỗi? Thử hỏi, sau bao nhiêu năm gian nan đời lính, gấp rưởi bấy nhiêu năm tù đày trả nợ nơi thâm sơn cùng cốc, còn được cái tên để về là may lắm rồi đâu có ngờ rằng tóc thầy hãy còn khác với tóc em đã hai màu!

Thầy không nhận ra em, xin em thông cảm cho thầy nếu cung cách xử trí của thầy lúc bấy giờ có điều chi làm em phật ý. Em thử tưởng tượng, vừa mới ra tù, quyền công dân không có, hộ khẩu cũng không, may mắn lắm được HTX nhận cho một chân lao động thuê ngoài, đứng trước mặt em lúc bấy giờ trong tâm tư chỉ mong được mọi người đón nhận như người xa lạ, chỉ vì sợ bị phát hiện mình đang có mặt tại Đà nẵng mà thôi .

Thầy trò mình lại gặp nhau đây…. Đường đời vạn nẻo ngược xuôi, lên cao xuống thấp, ngang trái bẽ bàng, trải nghiệm qua bao nhiêu thử thách nghiệt ngả, đối trước cái viễn ảnh vô vọng của ngày mai thì “anh phải sống” vẫn mặc nhiên là lối thoát của cô Lạc, vợ Thức, bác phó nề, em đâu có còn chọn lựa! Thầy hiểu em mà. Phải chi mình biết trước được chuyện ngày mai thì có ai mà lại không cố gắng nín thở qua cầu chờ cho đủ ngày đủ tháng, mức tối thiểu để được nhận là diện HO. Âu đây cũng là số phận!

Anh em mình đã kịp nhận ra nhau.
Trong hoàn cảnh đầy cám dỗ dễ làm xiêu lòng người nhưng dù gì đi nữa em vẫn còn đủ sáng suốt để còn kịp nhận ra rằng còn có sự tra vấn của lương tâm nên em đã không phải lụy vào cỏi u mê mà đan tâm “Thà mất lòng anh, đặng bụng chồng” (Tôn thọ Tường / Tôn phu nhân quy Thục). Có như thế hôm nay anh em mình gặp nhau còn nhìn thẳng mặt nhau mà cười thoải mái chúc nhau an lành.

Hi! Hello! Không, nhất định không, vẫn thưa cô, thưa thầy tự nhiên và thắm thiết như ngày nào xưa cũ trong tinh thần “Ông Carnot xưa” trong Quốc văn giáo khoa thư lớp Dự bị mà các em không hề nghĩ mình đang là ông, là bà của một đàn cháu lúc ngúc nội ngoại ở nhà.

Ít lắm cũng đã nửa đời người thầy trò xa cách, gặp lại nhau, tay bắt mặt mừng hàn huyên tâm sự. Không còn cách nhau cái bục giảng, không có sổ điểm danh, chẳng cần sổ đầu bài và nhất là cái sổ điểm không còn là nổi ám ảnh của bọn chúng em bây giờ nữa. Đủ thứ chuyện, đủ thứ đề tài thầy trò mình thoải mái, không bị gò bó trong “ơn thầy nghĩa bạn”. Chẳng trách chi sao có bạn đã chớm nghĩ so tuổi với thầy. Thật tình mà nói ngày mới về trường ở các tỉnh, khoảng cuối thập niên năm mươi có thầy chỉ hơn trò vài ba tuổi!

Thầy trò nói chuyện với nhau với tất cả chân tình nhưng có một điều không hề ai nghĩ tới ấy là khoảng cách đã có về một mặt nào đó, kết quả tất nhiên sau những năm tháng vào đời của khách sang sông không ngừng đi tới, mải miết đi, qua bao nhiêu sân ga, qua bao nhiêu bến cảng bỗng một phút chạnh lòng, ngoảnh đầu nhìn lại thấy ông lái đò năm xưa vẫn cắm sào bến cũ! Vâng, chúng ta đang thực sự sống lại những ngày xưa thân ái dưới mái trường Đông Giang gió cát buổi ban sơ …

Hoặc được diện kiến nhau hoặc những lúc thăm hỏi nhau qua điện thoại, qua e-mail, nhắc đến thầy B không em nào quên hình ảnh một người lính ở trong trường, tay cầm cái micro có khi là chiếc roi mây. Ấy thế mà không có em nào cắc cớ tìm hiểu dù là trước đây và ngay cả đến bây giờ. Thật là vô tư lự dễ thương hết sức.

Trâu đồng nào về ăn cỏ đồng nấy, tôi có duyên đầu với Trần Quý Cáp Hội An năm 1958. Năm 1962 tôi nhận lệnh động viên khóa 14 Thủ Đức và năm 1963 đã có mặt tại chiến trường miền nam đang hồi sôi động. Từ Tây Ninh xuống tận Cà Mau, qua các vùng Đức Hòa, Đức Huệ, rừng Cù Mi, Củ Chi, Hậu Nghĩa cứ rùng mình mỗi khi nghĩ rằng rồi có ngày mình sẽ bỏ xác tại miền nam. Năm 1965 xin thuyên chuyển được về Quảng Ngãi và đến năm sau được giải ngũ theo đơn xin. Trở về trường cũ chưa kịp hết mừng thì sau Tết Mậu Thân 1968 lại lên đường tái ngũ. Trình diện Tổng tham mưu, được lệnh lại quay về Thủ Đức học vũ khí mới . Sư đoàn bảo vệ thủ đô của lực lượng sinh viên Sài gòn vừa thành lập xong, anh em tái ngũ được phép chọn về vùng nào có trường đại học để phụ trách Chương Trình Huấn Luyện Quân Sự Học đường cho sinh viên vùng đó . Tôi chọn ngay về Huế đặt thuộc quyền xử dụng của Tiểu khu Thừa Thiên phụ trách huấn luyện QSHĐ cho sinh viên đại học Huế.

Khoảng gần cuối năm 1968, tất cả được gọi trở về Sài Gòn trình diện bộ giáo dục để nhận lệnh biệt phái, quay về trường tiếp tục công tác giảng dạy. (Đây là thời điểm quân đội đồng minh tràn ngập, bộ giáo dục can thiệp với bộ quốc phòng đòi trả lại giáo viên để bổ sung cho các trường hiện đang trong tình trạng thiếu thầy).Từ đây anh em này mang danh là giáo chức biệt phái, quân nhân biệt phái, cái danh xưng mà sau này trong tù cải tạo anh em đã phải vô cùng khổ tâm vì thắc mắc hạch hỏi của các cán bộ cách mạng.

Nhà cửa ở Hội An đã bị đại bác dội sập hồi Tết Mậu thân nên tôi xin về Đà Nẵng, được phân về Đông Giang trình diện thầy Lâm Sĩ Hồng tại văn phòng lúc bấy giờ hãy còn là một khung nhà gỗ nhỏ vách ván nắng xuyên. Về đây tôi gặp lại thầy Nguyễn Văn Trợ, cô Thu Hà, cô Lê Thị Ngọc Yến cũng như thầy hiệu trưởng lại có thêm mấy đồng nghiệp mới là cô Lê Thị Hồng Khanh, thầy Phạm Xuân Tú mà mười năm trước, tất cả đã hân hạnh được biết nhau ở Trần Quý Cáp Hội an và như thế Đông Giang đối với tôi đã hoàn toàn không xa lạ ngay phút đầu tiên.

Lại bắt tay tiếp nối những ngày vui bảng đen phấn trắng, lại tiếp tục học hỏi và kinh nghiệm trong nghề vẫn luôn được tô bồi bằng những cọ xát thực tế đã làm nên thành ngữ L’homme n’est toujours qu’un apprenti, la douleur est son maitre” mà Alfred de Musset để lại.

Có một lần, sau khi phát bài tập, trong lúc đang chứng minh sửa bài trên bảng tôi nghe dưới lớp có tiếng giấy bị vò. Giảng xong bài, tôi đề nghị trưởng lớp thu lại tất cả bài tập, trưởng lớp cho biết thiếu một bài. Tôi gặp và dặn với em thiếu bài ở lại gặp tôi sau giờ bãi học. Hai thầy trò không về ăn trưa, ngồi với nhau cho đến khi em này hiểu ra rằng điểm kém trong học tập của mình, một phút giây nào đó bỗng dưng tác động đến tâm lý bố mình đang cầm trong tay vận mạng của ít ra hai mươi con người của hai mươi gia đình đang là hành khách trên chuyến xe đò Đà Nẵng – Non nước đi lại mỗi ngày, hình dung được cái giá bố em phải trả nếu chẳng may vì một tic tac lo ra của bố, những giọt nước mắt biết ăn năn của em bắt đầu lăn dài trên má, thầy trò chia tay, trong lòng tôi vui sướng đón nhận một niềm vui.

Được tin nóng hổi một bạn học trong lớp đã bỏ học, đầu quân Thủy quân lục chiến chỉ vì bị thày khiển trách, học sinh trong lớp báo cho tôi hay như ngầm khuyến cáo tôi một hứa hẹn kém vui. Chừng nửa năm sau có một chiến sĩ mũ xanh đến gõ cữa lớp vào thăm thầy ôm lấy tôi vui vẻ.

Bấy giờ trong tâm tư của người bạn trẻ ấy chắc chắn đang lóe sáng một thấm thía “la douleur est son maitre” và cuối cùng thầy cũng như trò, tất cả chúng ta trong cuộc đời này đều chỉ là người học việc. Mặt này, mặt kia trò học thầy, thầy học trò và nỗi đớn đau thống khổ mới chính là ông thầy của mỗi chúng ta.

Một lần được mời cùng đi với thầy hiệu trưởng đến dự lễ khai trương ngôi trường mới của thầy Nguyễn Vân, cái đập vào mắt tôi trước nhất là câu tục ngữ “Quốc gia hưng vong thất phu hữu trách” được đắp bằng hồ xây sơn đỏ nổi bật trên mặt tường ngang tầm nhìn đối diện với tất cả mọi người trước khi bước vào cơ sở. Vốn đã kính trọng thầy Vân lâu nay, bây giờ tôi còn thấy được cái giá trị đạo đức thể hiện trong địa hạt kinh doanh của thầy Vân quả thật khác người thiên hạ đương thời. Thay vì ưỡn ngực ra đón nhận cái dư âm thường tình của “nhất tự vi sư bán tự vi sư” thì thầy đã sẵn sàng đưa cái lưng ra nhận trách nhiệm trước, dù chỉ là trong vị trí của một người dân thường khi làm nhiệm vụ giảng dạy, góp một phần khiêm tốn trong công cuộc đào tạo lớp trẻ, rường cột của tồn vong đất nước tương lai. Một nhắc nhớ thật khó quên trong tôi, một người đang làm nghề dạy học .

Một vài năm sau trường Đông Giang bắt đầu chuyển mình đi vào thời kỳ phát triển, lần lượt xây thêm nhiều phòng ốc tuyển học sinh vào liên lớp sáu. Thầy hiệu trưởng hẳn đang cần có người cùng góp một tay, đề cử tôi đi Sài gòn học lớp Quản Trị Học đường. Xong khóa học trở về, chẳng mấy chốc sau tôi nhận được nghị định bổ dụng tổng giám thị . Thầy HT cũng mau mắn mời thêm các thầy Quyền giáo viên, thầy Me, thầy Thân cựu quân nhân về làm giám thị. Bốn anh em cùng nhau cọng tác xây dựng cho trường mặt nội quy kỷ luật.

Song song với sự lớn mạnh về cơ sở vật chất, bộ mặt trường ngày càng khang trang, có văn phòng, phòng giáo sư, phòng hiệu trưởng, phòng giám thị với đầy đủ tiện nghi (ampli, micro, hệ thống loa phóng thanh), việc ổn định nề nếp nội quy kỷ luật nhà trường còn là tiền đề giúp các thầy cô trong công tác giảng dạy đạt thêm phần khởi sắc.

Nhờ tinh thần hợp tác đầy trách nhiệm của học sinh nên kế hoạch phân công trực lớp, trực trường đã mang lại nhiều kết quả khả quan. Sinh hoạt của nhà trường về mọi mặt (học tập, thi cử, giải trí, đi lại) luôn được bảo đảm an toàn, trật tự, đúng giờ, đúng chỗ và đúng việc. Tình trạng mất xe đạp lai rai trước kia đã thôi tái diễn. Từ đây, phụ huynh cũng như học sinh được thoải mái khi chờ công bố kết quả các kỳ thi tuyển, không còn cảnh chen lấn xô đẩy và danh sách niêm yết bị xé, bị xóa như xưa. Kết quả trúng tuyển được thâu băng sẳn, phát đi phát lại nhiều lần qua hệ thống loa.
Mối quan hệ giữa gia đình và học đường trở nên chặt chẽ, phụ huynh luôn theo dỏi được con em mình về điểm chuyên cần, về tác phong đạo đức và nhất là về thành tích học tập. Tin tưởng vào uy tín của trường, phụ huynh học sinh đã chân thành và thẳng thắn góp ý với nhà trường ngay cả những vấn đề thuộc lỉnh vực giảng huấn trong tinh thần xây dựng.

Nhờ khéo léo ngoại giao của thầy hiệu trưởng, một đơn vị công binh chở đất đỏ đến trải thiết lập sân cờ và tạo đường đi lối lại sạch đẹp trong khuôn viên trường. Tiếp đến là phần đóng góp của học sinh trong kế hoạch trồng cây, phân công chăm sóc. Cây xanh đem lại cảm giác tươi mát, giảm đi cái vẻ trơ trọi và tăng thêm phần duyên dáng cho ngôi trường.

Ngày hai buổi áo lính sân trường tôi say sưa thích thú phục vụ hai tiếng ĐÔNG GIANG , nhiều khi vợ tôi nhắc khéo “bộ anh coi Đông Giang như là nhà của anh vậy sao?” Quả không sai quí vị ạ, ban đêm, dưới gối luôn có sẵn miếng giấy với cây bút chì, trong đầu có ý gì hay cho công việc ngày mai, tôi ghi xuống, chữ viết chồng chéo lên nhau, ngày mai vẫn có thể đọc được.

Thôi giảng dạy đổi sang công tác quản trị, quy mô phục vụ rộng hơn, bao quát hơn và kết quả cụ thể thấy ngay trước mắt, không ngờ công việc mới lại rất hợp với sở thích của anh mà Đông giang là nơi để anh thi thố và ý ấy của em chính là kết luận của những gì anh vừa nêu được xem như là phần giả thiết, đơn giản chỉ có thế thôi em nhé ”, tôi phân trần với vợ nhằm làm dịu bớt băn khoăn.

Trận bảo Hester năm 1971 đã nhấc bổng mái nhà chơi nguyên trước đây là ba phòng học cũ, nhẹ nhàng để xuống sân trước sự kinh hoàng của tôi. Trường được lệnh của Tòa Thị chính cho học sinh nghỉ học, chờ cho tất cả học sinh ra khỏi lớp hết, tôi về tới nhà vợ tôi mừng rở “anh qua cầu mà không gió bay”. Chưa kịp hỏi han gì, lập tức lo đi chống bão nhà mình. Đi trong mưa bão lần này, gió không bay, cầu cũng không bay mà Honda bay người cũng bay theo, bay thẳng xuống vực sâu vệ đường mang theo gọn gàng một đồng nghiệp quá giang xe! Cả hai cùng cười an toàn! Trong lòng ấm áp, hai tiếng Đông Giang vẫn không bay.

Các con tôi đã vào học Phan Chu Trinh, tôi đang đầu tư mộng du học sau này cho chúng nó. Thầy hiệu trưởng đang trong kế hoạch đó cho con của thầy. Đọc được ý nghĩ của tôi nên thầy đã vui vẻ cho tôi sắp xếp công việc của trường để tìm thuận lợi. Có sự đồng ý của thầy hiệu trưởng đồng thời được sự cho phép của Sở Học chánh, tôi nhận giờ dạy ở các trường tư thục với sự dìu dắt ban đầu của thầy Bùi Kim Lân. Cũng vẫn áo lính tôi dong ruổi từ Sơn Trà, qua An Hải vào tới Phước tường, ở đâu tôi cũng được nhà trường ưu ái sắp xếp thời khóa biểu luôn dành ưu tiên cho nhiệm vụ Đông Giang là chính, đồng nghiệp, học trò, mến mộ ân cần. “Ở nhà” nhờ có các thầy giám thị thương mến hổ trợ hết mình, nhiệm vụ của tôi với Đông Giang vẫn luôn được chu toàn viên mãn.

Một lần đến chợ Hàn thấy mấy chiếc xe Jeep đậu nghênh ngang, tài xế bất cần đời, xe đang là phương tiện cho qúy bà vợ sĩ quan đi chợ, chướng mắt quá so với nếp sống của người lính chiến ngoài mặt trận, tôi đến quân vụ thị trấn để góp ý. Tại đây tôi gặp mấy anh em quen cùng khóa: “Ê, bà con trong xóm tố cáo mày là Trung úy giả mày có biết không? ”. Không đáng trách, tôi nghĩ vậy. Nhập ngũ rồi giãi ngũ, tất cả xảy ra với tôi lúc tôi đang dạy học ở Hội an. Tái ngũ rồi biệt phái là khi tôi đã chuyển gia đình về quê vợ ở Đà Nẵng. Thình lình xuất hiện trong xóm một người lính mỗi ngày hai buổi đi đi về về trong khi lính tráng thì đã có doanh trại đôi khi lại còn bị chi phối bởi lệnh cấm trại, riêng tôi thì cứ tà tà bảo làm sao mà không bị bà con lối xóm ở đây viết đơn tố cáo.

Khi còn tại ngũ thì Bộ Quốc phòng trả lương theo cấp bậc, phần còn lại so với lương dạy học thì Bộ Giáo dục trả, nhà trường làm lương sai biệt. Biệt phái về trường thì Bộ giáo dục trả lương 100% nhưng quân số thì lại thuộc Bộ Quốc phòng quản lý như một quân nhân đang tại ngũ. Thay vì tái ngũ phải trở ra đơn vị tiếp tục đi chiến đấu ngoài tiền tuyến, quân nhân biệt phái giáo chức thì lại được về trường phục vụ tại hậu phương. Gia đình đang lúc khó khăn, tôi mặc đồ trận đi làm cũng chỉ là để tiết kiệm một phần chi phí mua sắm áo quần mà lắm khi cũng có lợi.

Phụ trách lớp đêm Đông Giang mà thành phần học viên bao gồm không ít quý vị công chức, cảnh sát quốc gia, quân nhân, nhờ áo lính tôi cũng tránh được những nhủng nhiểu linh tinh của các anh thương phế binh vui tính và nhất là trong thời gian trường trại bị trưng dụng làm trại tiếp cư năm 1972, mặc áo lính cũng có phần dễ ăn dễ nói cho tôi trong khi làm nhiệm vụ.

Năm 72, mùa hè đỏ lửa, đồng bào Quảng Trị di tản vào Đà Nẵng. Trường chúng ta đang lúc nghỉ hè, thầy Hiệu trưởng, bận công tác nơi hội đồng khảo thí tại Sài gòn, cử tôi xử lý thường vụ. Tòa Thị chính ĐN chỉ thị tạm thời trưng dụng cơ sở trường làm trại tiếp cư đón nhận đồng bào tị nạn, chỉ định tôi làm trại trưởng.

Tất cả các bàn ghế, học cụ đều được tập trung gọn vào một số phòng khóa chặt cửa. Số phòng ốc còn lại dành làm nơi tá túc cho đồng bào. Sau khi lập danh sách phân chia, ổn định nơi ăn chốn ở, tạm thời tôi chọn trong số bà con di tản mời một vị nguyên là giáo sư trường Nguyễn Hoàng để có người cùng nhau lo đi nhận lảnh gạo và nhu yếu phẩm về phân phối lại cho đồng bào.

Trong số đồng bào chạy loạn có nhiều anh em là binh sĩ, họ có lựu đạn, có khi còn lận theo súng ngắn. Công việc điều hành trại cần nghiêm túc, chính xác và nhất là hết sức ngay thẳng công bằng, vấn đề không phải đơn giản, khó tránh khỏi những nhiêu khê phức tạp, áo lính cũng giúp tôi dễ ăn dễ nói. Do vậy mà áo lính vẫn theo tôi cho đến ngày tan đàn sảy nghé.

Cuối tháng, trong kho thường còn lại một số gạo dư trước khi đi nhận gạo cho đợt tới, tôi đem số gạo này phân phối ngoài tiêu chuẩn cho bà con. Thế là không lâu sau đó, An cư xuất hiện một cái chợ gạo (gạo ăn không hết, bà con mang ra họp chợ). Tòa Thị chính gọi tôi giải thích và được yêu cầu chấn chỉnh.

Cho đến khi đồng bào tị nạn được chính quyền giải quyết ổn định nơi tạm cư, trường sở được giải tỏa. Một số đồ gỗ bất cứ thứ gì của trường mà đồng bào vớ được là bị chẻ làm củi đun, chân tường khắp các hành lang, cầu thang đều bị ám khói do đồng bào nhóm bếp thổi cơm. Đây là lúc lực lượng học sinh cả trường được huy động để tổng vệ sinh, sắp xếp chấn chỉnh lại mọi thứ để kịp mở cữa các phòng học đón ngày khai trường.

Năm 1975 cuối tháng ba, chuột chạy cùng sào chẳng thoát đi đâu được, tôi trở về nhà, cổi áo lính thủ tiêu, tất cả sách vở phải mang nộp cho phường, mọi hồ sơ giấy tờ, cả hình ảnh kỷ niệm đời lính đành nhắm mắt thiêu hủy hết, chia tay áo lính, thấp thỏm từng giây lắng nghe và bồn chồn chờ đợi, không biết cái gì sẽ đến từ nay cho thân phận cá chậu chim lồng!…

Nhớ bác Điểm, nhớ anh Võ Sam. Nhà bác Điểm là tụ điểm, là kho tàng kỷ niệm của học sinh ĐG nhất là phía chị em ta. Bác Điểm sau này vẫn có nhiều người gặp lại, hình ảnh của bác còn tìm thấy, còn được trao gửi cho nhau trên mạng. Riêng có anh Sam thì chưa có ai nghe nhắc đến. Sau ngày ấy có lẻ anh Sam đã đưa gia đình trở về lại trong quê xa xôi và hẻo lánh, hai tiếng Đông giang biết có cơ duyên nào anh được nghe nhắc tới hay không!

Một buổi chiều chủ nhật, có ai về ghé thăm trường cũ, đến vin cành hoặc ôm lấy một thân cây trong sân trường mà khẽ hỏi “đã lâu lắm rồi em có còn nhớ ta không? dù chỉ mỗi mình em là nhân chứng, ta đã không sống uổn với trường, trường ta đó, Đông giang”.

Rồi đến ngồi tựa lưng vào chân trụ cờ, lắng lòng nghe tiếng thì thầm vi vu đang theo về trong gió, thử tìm câu trả lời cho một thoáng bâng khuâng …

 
 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét