( Bài Vùng Trời Kỷ Niệm của chị Hoa Xuân
chuyển cho chúng tôi để gửi đăng trên Đặc San 50 năm, nhưng do file chị
gửi là file nén mà chúng tôi không thể mở được, nay chúng tôi xin được
đăng trên blog. Mong chị thông cảm )
Kính tặng thầy cô giáo Đông Giang
và thương về các bạn “những ngày xưa thân ái”!
Nếu
bạn hỏi tôi rằng có bao giờ tôi nhớ về kỷ niệm tuổi học trò và kỷ niệm
nào để lại dấu ấn trong lòng tôi nhiều nhất, chắc lúc đó lòng tôi sẽ
quặn thắt bởi vì có lẽ do cuộc sống bộn bề, do trải qua nhiều biến cố
hoặc do trăm, ngàn lý do khác mà tôi không biết phải trả lời sao!
Vâng!
Không đến nỗi quá khô khan, thậm chí tôi còn là một con người rất giàu
xúc cảm. Có lúc, trong tôi biết bao nhiêu kỷ niệm hiện về, và rồi trong
những giây phút đó, tôi như người sống về quá khứ; muốn tìm về tuổi
thơ, muốn mình bé lại ôm sách vở tới trường, sống những ngày hồn nhiên
rồi biết mơ biết mộng, sống những giây phút hồi hộp lo âu vì sợ thầy cô
dò bài mà mình còn ngập ngợ. Có lúc, tôi chẳng còn nhớ gì cả, hay không
muốn nhớ gì cả, quên nó đi vì còn phải vật lộn với cuộc sống đang vây
bủa mình. Tôi tệ thật phải không?
Ngày tháng học trò trôi đi quá
xa. Bây giờ, thực tại tôi là một cô giáo đã nghỉ hưu. Già quá phải
không? Tuổi đời chồng chất, cứ thế trôi đi nào ai biết…
Từ một đứa
trẻ rụt rè bước chân vào trường làng và lớn dần theo năm tháng với nhiều
cấp học để rồi khi rời ghế nhà trường lại nối nghiệp thầy cô thì có
biết bao nhiêu kỷ niệm buồn vui. Và trong những kỷ niệm đó, chắc ở một
góc tâm hồn người ta vẫn lưu giữ những cái gì gọi là thân thương nhất,
để lại sự rung động nhất ở tâm hồn. Xin được kể bạn nghe…
Còn nhớ
năm đó là năm tôi đậu đệ thất (lớp 6 bây giờ). Rời trường tiểu học An
Hải để bước chân vào ngưỡng cửa trung học với trường mới mang tên gọi
Đông Giang. Vâng! Tên Đông Giang như gợi nhắc về một ngôi trường phía
đông dòng sông Hàn thơ mộng.Vùng đất trường tọa lạc lúc bấy giờ còn
nhiều khó khăn. Những phòng học nằm trơ vơ giữa bãi cát vàng nắng cháy
ban trưa rồi những chiều lộng gió nhưng với tôi những chuỗi ngày ở đây
lại êm đềm vô kể. Nơi đó có biết bao nhiêu là kỷ niệm thân thương về
tình thầy trò, bè bạn. Tôi làm sao quên được lần đầu khi đến với Đông
Giang… Chúng tôi những cô cậu học trò nhỏ vào trường mới còn e dè sợ
sệt. Những ngày đầu xếp lớp, chúng tôi bắt buộc phải chọn một trong hai
sinh ngữ Anh Văn và Pháp Văn làm chính (lúc đó gọi là sinh ngữ 1 và sinh
ngữ 2). Khoảng thời gian đó, Anh Văn rất thịnh hành nên tất cả các bạn
đều chọn Anh Văn còn thì Pháp Văn rất ít. Từ đó, buộc lòng nhà trường
phải đưa một số bạn sang học Pháp ngữ. Tôi may mắn được học môn mình đã
chọn và người thầy phụ trách Sinh ngữ 1 của tôi là thầy Trần Ngọc Thành.
Chỉ nhắc đến tên thầy thôi, bây giờ đây lòng tôi cũng tràn đầy xúc
động.Thầy có dáng người thon thả, đặc biệt là vầng trán cao với mái tóc
chải vuốt ngược lộ rõ sự thông minh, dưới vầng trán ấy là đôi mắt hiền
từ và một chiếc mũi thanh tú. Môi thầy mỏng, miệng thầy rộng và chính đó
là điểm thu hút của thầy mà học trò nào cũng dễ nhận thấy nhất khi thầy
giảng bài. Nhìn chung, khuôn mặt thầy rất dễ gây thiện cảm cho những
người lần đầu tiên tiếp chuyện với thầy. Thầy Thành ăn mặc đẹp lắm, thầy
thường mặc quần tây màu đen hoặc xám với chiếc áo sơ mi trắng, chân
luôn mang giày công sở. Trông thầy thật chỉnh tề, lịch sự -không phải vì
trau chuốt mà đó là vốn dĩ của thầy. Có thể nói ai nhìn thầy cũng nhận
thấy đây là một con người rất mô phạm…Tôi không học giỏi Anh Văn nhưng
lại rất thích khi vào học tiết thầy. Giọng thầy giảng bài với âm lượng
vừa phải nhưng ngọt ngào làm sao, chất giọng phát âm ngoại ngữ không chê
vào đâu được. Chính từ các tiết học của thầy đã góp phần tạo cho tôi
nhiều hứng thú khi đến trường, đến lớp. Thầy rất thương học sinh, ngoài
những giờ dạy thầy thường gần gũi học sinh để động viên chia sẻ. Thầy
chưa bao giờ gắt gỏng với ai, vì lẽ đó mà các bạn luôn quý trọng thầy.
Xa thầy ai cũng nhớ.
Có một lần, tôi không bao giờ quên được mỗi khi nhớ về thầy, đó là một
buổi chiều học hai tiết sinh ngữ. Như mọi hôm, trước giờ học, thầy kiểm
tra bài cũ. Hôm đó tôi được gọi lên đầu tiên để trả bài. Thầy hỏi và tôi
trả lời những câu hỏi xã giao thông thường bằng tiếng Anh của thầy như:
What’s your name? -My name is Hoa Xuan. How are you? - Fine, thank
you…Đi vào phần chính là thầy kiểm tra từ vựng. Sau khi hỏi một vài từ
tôi trả lời xong, thầy hỏi đến từ “cái muỗng”, một từ vựng thật quen
thuộc, lại nữa tôi mới học khi hôm nhưng tự dưng tôi quên bẵng và không
trả lời được. Tôi đang lúng túng thì chợt nghe ở bàn đầu (bàn tôi ngồi)
một giọng đọc nhỏ: “xít - pun”. Tôi nghe rất rõ và chỉ cần nhắc lại là
ăn điểm, thế nhưng có một chút tự ái, sĩ diện cộng vào đó là sự bướng
bỉnh của lứa tuổi mới lớn, tôi đã chẳng trả lời thầy mặc dù thầy đợi rất
lâu. Cuối cùng, thầy bảo tôi: “Em về chỗ! zéro”. Tôi nghe lạnh cả
người, bởi vì trong học tập tôi luôn có cố gắng, chưa bao giờ để nhận
hậu quả zéro vì không thuộc bài. Thế mà bây giờ điều ấy đã đến, lòng tôi
buồn vô kể. (Tôi nghĩ mình đã lãnh trọn một con zéro đôi nhưng không
ngờ thầy chỉ cho tôi con zéro chiếc. Sau này tôi mới biết khi lén xem sổ
điểm). Đến giờ ra chơi bọn con gái chúng tôi vào chơi trong căn phòng
đang xây ở đầu hồi (phía bắc của trường). Tôi nhớ lúc đó, phòng có rất
nhiều cây cột chống với những bức tường chưa được tô xong. Tuy cùng chơi
với các bạn nhưng lòng tôi vẫn day dứt vì con zéro của thầy Thành. Bỗng
thầy bước vào phòng, chúng tôi nghiêm chỉnh chào thầy. Trên nét mặt các
bạn, đứa nào cũng lộ rõ sự ngạc nhiên về việc xuất hiện của thầy. Riêng
tôi, tôi cũng có một chút thắc mắc, không lẽ việc thầy vào phòng chúng
tôi chơi với việc dò bài của tôi có một mối quan hệ nào đó. Còn thầy sau
khi chào chung các bạn và hỏi xã giao vài câu, thầy đã đến bên tôi và
hỏi nhỏ: “Hồi nãy khi thầy kiểm tra bài, em trả lời không được nhưng
thầy nghe có tiếng nhắc nhỏ, sao em không trả lời để phải nhận zéro?
Thôi để lúc khác thầy cho gỡ ! ”.Vừa nói thầy vừa xoa đầu tôi. Lúc đó
tôi thấy mình thật nhỏ bé trước thầy.Tôi chỉ biết cúi đầu dạ nhỏ trong
miệng. Trời ơi! Nỗi vui sướng được gỡ điểm thì ít mà nỗi vui mừng không
sao kể xiết vì tiếp nhận được tình cảm của một người thầy mà tôi hằng
kính trọng. Rõ ràng thầy đã hiểu rõ tâm tư tình cảm của từng học sinh,
hiểu rõ được nỗi khổ tâm của học trò khi bị điểm không. Ở tôi một cảm
giác khó tả, nó ngọt ngào làm sao. Giờ đây, giữa thầy và tôi khoảng cách
thầy trò hầu như không còn nữa. Tôi như một đứa con nhỏ muốn sà vào
lòng người cha tôn kính để thể hiện sự biết ơn của mình. Tình cảm này
sao thiêng liêng quá ! Có phải chăng nó đã thật sự nhen nhóm một chút
tình phụ tử. Trong tôi, không bút mực nào tả xiết lòng tôn kính của một
học trò nhỏ đối với người thầy cao cả. Thầy ơi ! Thế mà bây giờ tôi đã
xa thầy vĩnh viễn. Thầy đã mất…Tôi chỉ biết tin thầy mất trong một dịp
tình cờ. Hôm được tin thầy mất, lòng tôi đau như cắt. Chưa được thắp một
nén nhang trên mộ cho thầy nhưng lòng đứa học trò nhỏ này luôn mãi nhớ
về thầy đó, thầy ơi !
x
x x
Trên
đây chỉ là một kỷ niệm trong muôn vàn kỷ niệm của tuổi học trò về thầy
cô bè bạn mà mỗi khi có dịp nhắc đến nó như sống lại trong lòng tôi. Và
cũng chính từ những tình cảm sâu nặng đó mà sau này khi bắt được liên
lạc với thầy cô và các bạn trong lớp hay trong trường, mặc dù ở vùng quê
Đại Lộc xa xôi, có những lần bị gió mưa lũ lụt, tôi vẫn tìm mọi cách để
đến được với “những ngày xưa thân ái”. Có thể nói, trường cũ, thầy xưa,
bạn bè dưới mái trường Đông Giang, tất cả như là những người thân ruột
thịt trong gia đình cần sẻ chia mọi niềm vui nỗi buồn khi mình gặp phải.
Những lúc ngồi một mình, lần giở từng trang lưu bút mà thầy cô và các
bạn đã viết cho tôi, nó như một cái gì đó luôn nhắc nhở tôi về một khung
trời kỉ niệm mà ở nơi ấy có những người đã chắp cánh cho tôi.
Tôi
làm sao quên được thầy Hiệu trưởng trường Đông Giang tôi năm ấy với tên
gọi Lâm Sĩ Hồng. Người luôn có trách nhiệm với trường, đã ba năm liền
trường chúng tôi đạt được cúp khi tham dự hội thao ở sân vận động Chi
Lăng. Ở cương vị lãnh đạo nhà trường nhưng lúc nào thầy cũng gần gũi,
chân tình, chăm chút từng lớp học. Chỉ qua việc thầy viết lưu bút cho
học sinh, chúng ta cũng cảm nhận được sự giản dị và lòng yêu nghề mến
trẻ của thầy.
Và
đây là dòng chữ thân thương của thầy Nguyễn Bang, một vị giám thị của
trường còn là người thầy đã từng dạy toán lớp tôi. Thầy luôn mặc quân
phục, tác phong lúc nào cũng trông rất quân sự. Với đôi mắt sáng trên
khuôn mặt chữ điền, ở thầy toát lên vẻ cương nghị đầy bản lĩnh và bên
trong cái hình thức kia thầy còn là người sống rất tình cảm. Thầy đã cảm
hóa rất nhiều học sinh qua chính cách sống của thầy. Trang lưu bút thầy
viết cho em đến nay đã hơn bốn mươi năm nhưng vẫn còn trẻ mãi, có giá
trị muôn đời đó thầy ơi!...Hôm nay đây, chúng em vẫn “xanh mãi như hoa
nở mùa xuân”. Nhờ lời chúc của thầy cô mà chúng em đã “đón nhận được
hương trời vô tận để tiến bộ”.
Thầy ơi! Dù chúng em ở cách xa thầy
“nửa vòng trái đất” nhưng nhờ những trang blog thầy gửi cho chúng em
những điều bổ ích, em cảm thấy thầy vẫn trẻ khỏe như ngày nào và vẫn như
thầy đang dạy chúng em. Em cầu mong cho thầy luôn khỏe để chúng em còn
mãi được đón nhận những tình cảm của thầy.
Và
tôi nhớ mãi cô giáo chủ nhiệm của mình khi chúng tôi vào lớp sáu: Cô Lê
Thị Hồng Khanh với môn dạy ngữ văn và nữ công gia chánh. Cô có dáng
người thon thả. Trong chiếc áo dài màu thiên thanh, trông cô tha thướt
như một nàng thơ. Lúc đó, tôi ước ao mình có được dáng người như cô. Lúc
giảng bài, cô thường hay nâng bàn tay lên cao, những ngón tay thon dài
chúm lại như nụ hoa chớm nở. Và nữa, chính nhờ môn nữ công gia chánh cô
dạy mà lúc đó tôi đã làm nên những bao gối đẹp. Làm sao em quên được hở
cô ?
Tôi lại nhớ đến thầy Nguyễn Vân người dạy chúng tôi môn sử địa.
Thầy cao tuổi nhất trường, thầy hay đi chiếc xe gô-bên cũ kĩ với tiếng
nổ thật to mỗi lần thầy khởi động máy. Những lúc dạy, thầy thường hay
giới thiệu bài mới: “Hôm nay, tôi sẽ thuyết trình về vấn đề…” và … em sợ
lắm thầy ơi! Mỗi khi thầy ngồi ở bàn chuẩn bị kiểm tra bài cũ, thầy cúi
xuống sổ như để tìm tên học sinh nhưng mắt lại nhìn chúng tôi, đôi mắt
kia vượt khỏi cặp kính tuổi của thầy. Lúc đó bọn chúng tôi đứa nào cũng
sợ thầy gọi tên. Thế mà giờ đây tôi chẳng biết thầy còn hay mất ?
Và
đây, những dòng chữ của thầy Lê Văn Lương, người thầy luôn nghiêm nghị,
thầy luôn ra sức giảng dạy cho học sinh đạt kết quả cao ở hai môn vạn
vật và âm nhạc. Khi dạy nhạc, thầy chẳng khác nào một nhạc trưởng chuyên
nghiệp. Nhắm mắt lại tôi vẫn nhớ rõ hình ảnh thầy tập chúng tôi hát bài
Quốc ca khi đó. Hiện nay, dù thầy tuổi đã cao nhưng mỗi khi có dịp họp
mặt học sinh các khóa thầy vẫn về với chúng tôi và nói những lời ân cần
như ngày nào làm chúng tôi rất ấm lòng và xúc động.
Tôi
làm sao quên được thầy Trương Văn Phó đã dạy chúng tôi bộ môn toán.
Thầy người Huế, có dáng người thanh mảnh, với đôi kính cận trông thầy
thật trí thức. Thầy thật hoạt bát, xông xáo ở mọi phong trào ở trường,
trông thầy lúc nào cũng tất bật với công việc, không những thế thầy còn
đem hết bầu nhiệt huyết tuổi trẻ để dạy chúng tôi. Lời giảng của thầy
thật hấp dẫn qua những lần giúp chúng tôi đi tìm ẩn số x. Bây giờ thầy
đã xa chúng ta vĩnh viễn. Thầy biết chăng có bao nhiêu người ở “những
ngày xưa thân ái” nhỏ lệ tiếc thương!
Tôi cũng không thể nào quên
được thầy Đặng Ngọc Phụng, một người sống thật giản dị. Tôi còn nhớ
những ngày mùa đông thầy thường mặc chiếc áo ấm len màu cà phê sữa. Tôi
chưa thấy thầy ăn mặc chải chuốc hay màu sắc sặc sỡ bao giờ. Đã có lần
thầy Phụng và thầy Lương dẫn tôi đi thi bơi lội ở sông Hàn. Khi thi về,
tôi bị bệnh thầy thường xuyên thăm hỏi bệnh tình và lo lắng cho tôi.
Những lúc rảnh, thầy kể cho lớp tôi nghe những tháng ngày thầy còn ở
trong quân ngũ. Thầy nói: “Các em biết không, vào quân đội nghiêm khắc
lắm nhưng cũng có lắm trò vui. Tối đến không ai được hút thuốc. Mỗi lần
thèm thuốc có người phải đưa miệng vào tủ để hút cho khói khỏi bay ra.
Còn nữa, khi ăn cơm, tập thể chỉ có mỗi nồi canh, ai ăn trước thì được
ăn canh nguyên chất, những người ăn sau thì canh đã bị pha chế thêm nước
lạnh rồi. Do vậy, người sau cùng là người bị ăn nước lạnh nhiều nhất”.
Chúng tôi say sưa nghe và thỉnh thoảng lại phá lên cười vì tài kể chuyện
thật “tếu” của thầy. Bây giờ đây thầy cũng đã ra đi vĩnh viễn.
Hình
ảnh thầy Nguyễn Ba dạy toán, lý lớp tôi, tôi vẫn còn nhớ rõ. Thầy là
người sống rất tình cảm, tính nhu mì. Ngoài việc dạy chúng tôi học thầy
còn với tư cách là người bạn luôn gần gũi chia sẻ cùng chúng tôi. Thầy
đã tận tâm, tận tình giúp chúng tôi giải tất cả các bài toán kể cả những
bài thật khó ở sách giáo khoa.
Các
bạn còn nhớ thầy Bùi Kim Lân không ? Còn tôi, hình ảnh người thầy dạy
toán, chân luôn mang đôi giày ống đến trường ấy là một ấn tượng khó
quên. Với cây thước dài trên tay mỗi khi lên lớp, thầy không dùng để
đánh học sinh mà dùng để vẽ hình dạy toán và gõ bàn khi cho học sinh làm
“toán chạy”. Mục toán chạy thật hấp dẫn nhưng đòi hỏi học sinh phải hội
đủ các điều kiện nhanh nhẹn, cẩn thận, chính xác thì mới hưởng được
điểm cộng nếu ngược lại thì sẽ bị điểm trừ. Tôi nhớ mãi không khí lớp
học ở những giây phút ấy, nó sinh động làm sao.Tôi rất ham thích mỗi khi
làm toán chạy nên thường ăn được ba điểm cộng của thầy. Có lẽ nhờ ở
dáng tôi nhỏ, ngồi bàn đầu nên chỉ cần nghe gõ thước ra hiệu hết giờ là
tôi đã nộp bài nhanh hơn các bạn và được chọn chấm trong những học sinh
đầu mà thầy quy định. Từ dấu ấn này mà khi tôi làm giáo viên tôi cũng đã
thực hiện như thầy. Tôi lại tìm thấy hình ảnh tôi qua những đứa học trò
nhỏ của mình.
Ở môn Quốc văn, ngoài cô Khanh ra, tôi lại nhớ thầy
Nguyễn Đức Bạn và thầy Hoàng Đình Hiếu đã dạy chúng tôi vào những năm
cuối cấp. Riêng thầy Hiếu tôi còn gặp lại thầy ở trường Nữ Trung Học
Hồng Đức. Tôi rất yêu môn văn nên đã có lần tôi được làm “sơ mi” môn
thầy…
Các thầy cô đã dạy chúng tôi làm thơ, nào là thơ lục bát, thất
ngôn tứ tuyệt, thất ngôn bát cú…phải gieo đúng vần đúng luật, giúp chúng
tôi tập tễnh làm thơ. Còn nhớ khi tôi mới tập làm thơ lục bát, vì mải
mê gò cho đúng luật đúng vần như lời thầy dạy đến khi đọc lại thì nội
dung của câu trên và câu dưới chẳng “bà con” gì với nhau cả. Bài thơ lắp
ráp sao thật buồn cười. Giũa mãi rồi cũng xong, tôi “trở thành” tác giả
của những bài thơ “con cóc”. Đặc biệt là ở thơ thất ngôn bát cú Đường
luật, nhớ lời thầy dạy: các chữ trong câu thơ phải theo luật “nhất tam
ngũ bất luận, nhị tứ lục phân minh” , kèm theo mỗi cặp câu ba và bốn,
năm và sáu phải đối nhau. Lần đó, tôi đã thử sáng tác bài thơ đầu tay
của mình. Đầu tiên để dễ có nội dung tôi đã tự tìm cho mình những chữ
đầu của các câu thơ rồi từ đó hình thành bài thơ. Vì xa quê hương, theo
gia đình xuống ở thành phố, nhớ con sông ở quê mình, tôi đã sáng tác bài
thơ với tên gọi “Sông quê”. Xin ghi lại bài thơ:
Sông sâu lờ lững mặt trường giang
Thu nhớ sầu thương vướng hạ tàn
Bồnkhô cỏ cháy đà xa hẳn
Yêu mùa hạ đỏ vội li tan.
Mến nhớ ngày nào ghé đò ngang
Của bến sông Thu lạnh mơ màng
Quê nhà ủ nhuộm màu tang tóc
Tôi đã xa rồi bến đò ngang !
Làm
xong bài thơ, đọc lại tôi cảm thấy rất vừa ý, nhưng hỡi ơi khi kiểm tra
lại cho đúng cách như đã học thì có nhiều chỗ phạm luật rồi, nhất là
hai câu ba và bốn, năm và sáu chẳng đối nhau tí nào cả chỉ vì mải mê
theo đuổi ý thơ. Tôi đành ngậm ngùi và thầm nghĩ dù nó không phải là bài
thơ thất ngôn bát cú Đường luật thì nó vẫn là bài thơ bảy chữ. Thương
đứa con đầu lòng của mình, ngày nay tôi vẫn nhớ mãi bài thơ ấy. Còn và
còn rất nhiều ngu ngơ trong tiết học làm thơ và đó là những kỉ niệm khó
quên.
Bên cạnh việc làm thơ, các thầy còn giúp chúng tôi cảm thụ
thơ, yêu thơ. Tôi không quên hình ảnh khi thầy Hiếu giảng bài. Khác với
cô Khanh, ngoài việc chụm các ngón tay lại rồi đưa lên như nụ hoa chớm
nở thì sau đó thầy lại chốc ngược nụ hoa kia và hạ xuống như hoa đã tàn
rơi. Cùng với điệu bộ kia là giọng đọc thơ trầm buồn của thầy đã làm cho
tôi không thể nào quên được bài thơ tình tiền chiến “Hai sắc hoa ti
gôn” của T.T.KH mà thầy đã cung cấp cho chúng tôi đúng vào dịp thu về
năm ấy. Bài thơ thật hay, một tình yêu thật thơ mộng, nồng nàn nhưng lại
là một cuộc tình buồn dang dở. Bài thơ hay mà tác giả là ai mà mỗi lần
đọc tôi vẫn còn thắc mắc? Chỉ biết rằng lúc đó thầy đã thổi vào tâm hồn
chúng tôi một luồng thơ mới và tôi cũng thích ngâm thơ từ dạo đó. Thơ
của T.T.Kh có gió heo may làm tê tái cả tâm hồn người đọc:
…..
Từ đấy thu rồi thu lại thu
Lòng tôi còn giá đến bao giờ
…..
Tôi sợ chiều thu phớt nắng mờ
Chiều thu hoa đỏ rụng chiều thu
Gió về lạnh lẽo chân mây vắng
Người ấy ngang sông đứng ngóng đò.
Bài thơ có mười một khổ, bốn mươi bốn câu tôi vẫn thuộc làu đến hôm
nay. Và những lúc buồn tôi vẫn thường ngâm nga như thương cho cảnh tình
của nữ sĩ. Khi tìm hiểu tác giả là ai thầy cũng đã khai thác cho chúng
tôi thêm hai bài thơ nữa, đó là “Bài thơ thứ nhất” và “Bài thơ đan áo”
để thấy rõ duyên phận bẽ bàng của người nữ sĩ này với “chồng nghiêm”
luống tuổi, nhưng hơn bốn mươi năm qua thắc mắc của tôi về tác giả vẫn
chưa được giải đáp. Một bài thơ thật hay, làm rung động bao trái tim yêu
thơ thời ấy nhưng tác giả vẫn còn là một ẩn số, không ai chịu nhận mình
là người đã sinh ra nó. Rõ ràng phải có một uẩn khúc chi đây…Tự dưng
tôi lại muốn để thắc mắc kia thôi không còn nữa, vì nếu có thi sĩ nào
công nhận đó là đứa con của mình thì liệu “Hai sắc hoa ti gôn” có còn là
một bài thơ tình bất tử ?
Không biết thầy có đồng quan điểm với em không ?
Còn
và còn rất nhiều thầy cô đã từng giảng dạy ở trường Đông Giang chúng
tôi trong thời gian ấy như cô Hoàng Sy Vinh, cô Phan Thị Ý Nhi, cô Dương
Thị Ngọc, thầy Nguyễn Đức Quang, thầy Trần Đạt, thầy Lê Trí Sở, thầy
Bùi Văn Phát, thầy Nguyễn Hữu Quyền, thầy Từ Lương Mỹ…
Em xin kính
gửi đến quý thầy cô lòng biết ơn chân thành nhất. Xin kính cẩn thắp nén
hương lòng để tưởng nhớ đến các thầy, cô đã mất. Những ngày còn ngồi ghế
nhà trường, em đã mang ước mơ được nối nghiệp thầy cô. Giờ đây, ước mơ
xưa đã thành sự thật. Em chắc rằng em cũng sẽ được những đứa học trò nhỏ
mãi nhớ về em như em đã nhớ đến cô thầy.
Ai
cũng có một thời để nhớ, có lẽ thời học sinh là thời đẹp đẽ, thơ mộng
nhất. Tôi lúc nào cũng thèm khát mình được trở lại tuổi học trò, để được
cùng bạn bè cắp sách đến trường; có những ngày lo lắng, hồi hộp mỗi khi
chưa làm xong bài toán hay khi đến ngày thi rồi mà trong đầu kiến thức
vẫn chưa ổn. Thế nhưng nếu có đứa bạn nào đó rủ đi chơi cũng không nỡ
chối từ.
Ngoài những lo lắng trong học tập, kỉ niệm xưa còn mãi in
đậm trong tôi từ những lần chúng tôi đi cắm trại ở sân trường, ở Nam Ô,
Suối Đá, Đồi Thông, ngồi bên nhau ăn từng củ sắn, củ khoai hoặc đi chơi
vườn ông Tây rồi ăn bánh xèo ở quán nhỏ Sơn Trà. Nhớ cái lần bọn tôi đi
bằng xe đạp lên núi. Thời ấy, làm gì đứa nào có chiếc xe máy để đi. Từ
An Hải đến núi Sơn Trà quá xa lại đi bằng xe đạp, có đứa phải đèo bạn
nên mỏi cả chân nhưng thú vị làm sao. Lần đó, chúng tôi lên tắm suối và
bỏ lại dưới núi bảy chiếc xe vắng chủ, đến khi chúng tôi ra về thì không
biết đã có ai lấy mất chỉ còn để lại cho chúng tôi ba chiếc xe cũ nhất.
Đây là kỉ niệm buồn nhưng bù lại cũng đã cho chúng tôi những giây phút
thỏa mái bên nhau và nuôi dưỡng thật nhiều tình bè bạn…Tất cả chừ xa tít
mù khơi.
Tôi làm sao quên được những người bạn đã cùng tôi chung
lớp, chung trường và chung cả con đường đi học ấy. Những khuôn mặt thân
yêu của từng bạn tôi vẫn còn nhớ như in: một nhỏ Hoài lém lỉnh, vui tươi
hay làm mắt lé và chỉ sâu tay vào má chọc các bạn cười; một Thanh Tùng
hiền lành, ít nói, một Thị Hiền ra bậc đàn chị luôn quan tâm đến bạn bè,
một nàng
Lương hay hưởng ứng cùng bạn bè những câu chuyện vui và
một Thanh Trà người Quảng Trị ăn nói nhỏ nhẹ; rồi Mỹ Hạnh cô bạn thích
ăn bánh mì với patê và hay về nhà tôi ở lại trưa dù nhà tôi rất xa
trường, rồi nhỏ Hồng đằm tính, rồi Lệ Vân được tôi gọi là cô bé tóc mây,
lại nữa Huỳnh Thị Quý, con nhỏ muôn đời vẫn là tóc đờ-mi gạc-xông và
mặc váy xếp li nhỏ màu trắng dễ thương, nhỏ Chi thì đi học lúc nào cũng
ôm chiếc cặp to tổ bố vì bỏ đầy sách vở và cô nàng rất siêng học. Còn
nữa, nhóm ba Thúy Liễu, Xuân, Thanh Hương thường hay đi nhóm với nhau và
đã biết làm dáng. Riêng nhóm ba Hoa Xuân, Lương, Thanh Tùng thì hồn
nhiên, chân chất. Trong đó, tôi: một con bé thích trò chơi của con trai
nhưng lại mau nước mắt và thường bỏ quên nón lá ở trường; …
Phái nữ
của chúng tôi thì vậy đó, còn các bạn nam thì lúc nào cũng gần gũi với
chúng tôi, một số anh chàng ra bậc đàn anh vì lớp học tôi có nhiều độ
tuổi…thế nên có những người đã biết trộm nhớ thầm thương; có những cặp
“tình trong như đã mặt ngoài còn e” nhưng rồi chẳng ai dám ngỏ lời, đành
câm nín. Và khi xác phượng rơi, tiếng ve vang vọng ở sân trường thì
đành phải nén lòng chia xa cho tình kia vụt mất. Kỉ niệm thì thật nhiều,
bạn bè cũng không phải là ít nhưng làm sao tôi nhớ hết, ai trả chúng
tôi về với kỉ niệm ngày xưa. Có thể những kỉ niệm ấy sẽ bị bụi thời
gian phủ mờ chồng chất nhưng một điều chắc chắn rằng lòng mỗi đứa vẫn
luôn hướng về nhau. Chúng tôi chỉ còn lại dăm ba dòng chữ của bạn bè
trên những trang giấy mỏng manh để làm lưu niệm.
Các bạn thân yêu ơi !
Xin trích gửi đến bạn bè những dòng lưu bút thân thương của “những ngày xưa thân ái !”
Các
thầy cô ơi! Các bạn thân ơi! Dù cho năm tháng có đi qua với nhiều thay
đổi thì những dòng chữ của thầy cô, bè bạn – kỷ niệm về một thời ở Đông
Giang – vẫn còn mãi theo tôi trên mọi nẻo đường. Những trang lưu bút của
thầy cô, bạn bè viết cho tôi vẫn không bị xóa mờ theo năm tháng. Xin
gởi lên đây những dòng chữ thân thương của thầy cô, bè bạn để khẳng định
sự bất diệt về tình cảm đối với thầy cũ bạn xưa dưới ngôi trường Đông
Giang yêu dấu.
Phan Thị Hoa Xuân
Khóa VI - Đông Giang
( Tháng 12 năm 2012)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét