Anh Đỗ Xuân Quang sưu tầm và biên soạn
Đã có rất nhiều nhà
nghiên cứu với nhiệt tâm bảo tồn di sản văn hóa dân tộc cả nước nói
chung, phạm vi đất Quảng Nam nói riêng. Từ lâu, họ đã bỏ ra nhiều công
sức sưu tầm những vần thơ, điệu hát dân gian qua những công trình gian
nan vất vã, tưởng chừng như những người thợ lặn mò kim đáy biển. Tuy
nhiên, trong khối trầm tích lắng đọng từ mấy trăm năm về trước, hàng
trăm, hàng ngàn hay nhiều hơn nữa, những câu hát, điệu hò lai láng trong
dân gian, một khối lượng vô cùng phong phú và đồ sộ đã được trục vớt
lên, in thành sách xuất bản lưu hành và phục vụ quần chúng hay cho những
ai còn nặng nợ với văn chương chữ nghĩa. Thưởng lãm bản sắc quốc hồn,
quốc túy trong nền văn học dân tộc, một thời xa xưa đã phản ảnh qua từng
giai đoạn thời gian mang đầy tính chất văn chương bác học và nhân bản
âu cũng là “uống nước nhớ nguồn” vậy.
Trước những ưu tư và trăn trở
đó, cũng như với tấc lòng “ Hoài cựu du du nhất phiến tâm”, cho phép
chúng ta phát biểu rằng : Cội nguồn tinh hoa văn hóa dân tộc nằm trong
Ca Dao, một kho tàng vô giá của văn học. Theo Việt Nam Tự Điển do Mặc
Lâm xuất bản tại Hà Nội năm 1931 thì Ca Dao là những câu hát phổ thông
truyền khẩu trong dân gian. Ca là những bài hát thành khúc. Dao là những
câu hát ngắn độ chừng năm, ba dòng được lưu truyền từ thế hệ nầy, qua
thế hệ khác, đời nầy, qua đời nọ, tồn tại mãi mãi trong lòng quần chúng,
mặc cho thời gian có mưa nắng hay bão táp phũ phàng trên quê hương yêu
dấu, chỉ vì :” Ngàn năm bia miệng hãy còn trơ trơ !”
Một vài ví dụ điển hình
“Đứng bên ni sông,
Ngó bên tê sông, nước xanh như tàu lá
Đứng bên ni Hà Thân,
Ngó bên tê Hàn, thấy phố xá nghinh ngang
Kể từ ngày Tây lại đất Hàn
Đào sông Câu Nhí, tìm vàng Bông Miêu
Lòng dặn lòng, ai dỗ cũng đừng xiêu
Ở nuôi Thầy Mẹ, sớm chiều, có anh”…
Hay là :
“Kể từ đồn Nhứt kể vô
Liên Chiễu, Thủy Tú, Nam Ô, xuống Hàn
Hà Thân, Quảng Cái, Mân Quan
Miếu Bông, Cẩm Lệ là đàng vô ra…”
“ Kể từ ông Bộ, kể ra
Cây Trâm cả Lý, bước qua Bầu Bầu
Tam Kỳ, Chợ Vạn, Câu Lâu
Vĩnh Điện, Bà Rén, nhịp cầu nối quê
Thương nhau, ai dỗ đừng nghe
Củi săng mới đượm, củi tre mau tàn…”
Hoặc là :
“Trăng bao nhiêu tuổi, trăng già
Phố bao nhiêu tuổi, gọi là Phố xưa
Trải qua bao độ nắng mưa
Tình ta với Phố vẫn chưa nhạt màu”…
Những
câu Ca Dao mộc mạc, dân dã trữ tình được hình thành và ra đời trong
cung bậc âm hưởng của những vần thơ lục bát (đượm màu sắc dân tộc) đã
phác họa nên địa giới tỉnh Quảng Nam và thành phố Đà Nẵng trải dài từ
chân đèo Hải Vân, làng Liên Chiểu và chấm dứt tại dốc Sỏi, phía trong
làng Chu Lai, tiếp giáp lảnh thổ tỉnh Quảng Ngãi.
Ngược dòng lịch sử, chúng ta thử tìm hiểu rằng: Kể
từ giữa thế kỷ thứ XIV và sau khi Huyền Trân công chúa vu quy về làm
hoàng hậu Chiêm Quốc thì dân tộc Đai Việt đã đặt những bước chân khai
phá đầu tiên đến bờ phía Bắc sông Thu Bồn( Nằm trong hai Châu Ô và Rí),
mà vua Chiêm, Chế Mân đã dâng hiến nhà Trần làm sính lễ. Và, cũng chính
nền văn học dân gian, Ca Dao đã để đời những câu hát dí dỏm trường sinh :
“Nước non ngàn dặm ra đi
Mượn màu son phấn, đền nợ Ô Ri..”
Hay là :
“Tiếc thay, hạt gạo trắng ngần
Đem vo nước đục, lại vần lửa rơm”
“Tiếc thay, cây quế giữa rừng
Để cho thằng mán, thằng mường nó leo…”
Tiếp
theo là những đợt di dân Nam Tiến năm 1403 của Hồ Quý Ly, năm 1475 vua
Lê Thánh Tông, lưu vực sông Thu Bồn là nơi quy tụ an cư lạc nghiệp trên
đất Quảng Nam (ngày nay), đầu cầu nối liền và mở rộng giang sơn bờ cõi
về phương Nam của trăm họ Việt tộc ra đi từ đất Bắc. Nhờ vào những điều
kiện thiên nhiên ưu đãi, sông nước thuận tiện cho việc giao thương vận
chuyển. Đất đai màu mỡ phì nhiêu bởi phù sa bồi đắp sau mỗi mùa lũ lụt
hàng năm, biến nơi đây thành nơi đất lành, chim đậu. Trải qua hơn sáu
thế kỷ sinh hoạt và phát triển, xây dựng quê hương mới, con người Quảng
Nam bằng vào văn chương bình dân Ca Dao trữ tình đã tích lũy và thành
hình một dòng văn nghệ dân gian rất phong phú và đa dạng với nhiều thể
loại như : Hát hò khoan - Nói vè - Hô thai bài chòi - Hò giã vôi - Hát
đối nhân nghĩa hay Hát bãi trạo v.v… Nhưng, trong các trường phái văn
nghệ nầy thì điệu Hát Ru mang một tính chất khác biệt, không giống như
những thể loại viện dẫn.
Vì rằng Hát hò khoan, Hát đối nhân nghĩa,
Nói vè hay Hô thai bài chòi v.v… đều phải được trình diễn trước chỗ đông
người nhằm phục vụ cho đại đa số khán thính giả thưởng lãm. Thường
thường, những nghệ nhân nầy phải có “tay nghề” với tâm hồn nghệ sĩ trời cho và phải “sáng dạ”,
thuộc nằm lòng những thi phú điển tích và nhất là phải có phản ứng nhạy
bén để đối đáp đúng lúc và kịp thời ngay tại chỗ, hiện trường khi đối
phương “Xướng” lên những câu hát thách đố hay châm chọc vv…Rồi ra, người nghệ sĩ mới hát “Họa” lại, hay “Đối” đáp với chủ đề lời hát “Xướng” trước đó. Trường hợp, chưa kịp ứng khẩu tự sáng tác ra ngay tại chỗ lời thơ, điệu hát của mình thì đã có “bửu bối lận lưng” là đã thuộc sẵn những bài hát “tủ”, những câu hát “ruột” đem ra hát “đưa đường” và “câu giờ”
chờ câu hát mới. Cứ như thế, miệng thì hát, đầu óc thì suy nghĩ lục lạo
câu hát nào phù hợp hiện trạng v.v… Và, như vậy, đêm hát mới khởi sắc
hào hứng “ một đêm hát Hò Khoan đáng đồng tiền, bát gạo, cho người
thưởng ngoạn ! ”. Ta thường nghe rủ nhau đi xem Hội hát hò khoan. Che
rạp hô thai bài chòi trong những dịp Lễ hội đình đám như ba ngày Xuân
nhựt Tết Nguyên Đán, tháng Hai âm lịch có ngày Lệ Bà Thu Bồn hay những
đêm trăng ngày mùa, đôi bên trai thanh, nữ tú hò hát đối đáp nhân nghĩa
qua những giai thoại trữ tình giữa cảnh non nước thanh bình, ấm no hạnh
phúc xa xưa mà Ca Dao hay Tục Ngữ là những tác phẩm chính.
“Ngó lên trên rừng, thấy cặp cu đang đá
Ngó xuống dưới biển, thấy cặp cá đang đua
Anh về, lập miễu thờ vua
Lập lăng thờ mẹ, lập chùa thờ cha
Chữ trung, chữ hiếu, chữ hòa
Đố anh ba chữ, thờ cha, chữ nào ?”
Ngay lập tức, chàng trai đáp trả một cách hóm hỉnh và rất có duyên :
“Chữ trung, anh để thờ cha
Chữ hiếu, thờ mẹ, chữ hòa…thờ em !”
Ngược
lại, Hát Ru chỉ có một đối tượng duy nhất, đấy là đứa trẻ thơ đang nằm
ngửa trong nôi hay người thiếu phụ đang cho con bú. Khi thấy đứa bé đã
lim dim hai mắt, buồn ngủ, y thị bèn sè sẹ, khẽ tay đặt con vào nôi, lắc
đưa nhè nhẹ, miệng hát nho nhỏ một câu lục bát. Nếu đứa trẻ chưa ngủ
say thì thiếu phụ lại hát thêm một bài dài hơn chừng bốn câu. Còn nhược
bằng đứa bé cứ vùng vằng khóc mãi, thiếu phụ lại tiếp tục một bài dài
hơn chừng sáu hoặc tám câu. Do vậy, Hát Ru mang tính chất ngắn gọn,
không dài lê thê như những thể loại khác. “Ca sĩ” hát Ru ở đây thường là : Mẹ, hay cha ru con. Ông bà, anh chị hay người giúp việc “đưa nôi “ ru em , ru cháu ngủ ”.
Về hình thức : Bài Hát Ru thường rất ngắn, chỉ hai câu :
“Hai tay cầm bốn tao nôi
Mẹ ru con ngủ cho rồi kẻo trưa”
“Hai tay cầm bốn tao nôi
Tao thẳng, tao dài, tao nhớ, tao thương”
Hoặc hai câu song thất biến thể :
“Mưa lâm râm, ướt dầm cây quế
Ta thương người ở Huế mới vô”
Nếu bài hát có bốn câu thì thường là một khổ thơ song thất lục bát như :
“Đất Quảng Nam, chưa mưa đà thấm
Rượu hồng đào chưa nhấm đà say
Gặp nhau chưa mấy lăm ngày
Đã mang ơn nặng nghĩa dày bạn ơi ! “
Hoặc bốn câu lục bát :
“Bồng con, mẹ bỏ vô nôi
Để mẹ đi chợ, mua vôi ăn trầu
Mua vôi chợ Quán, chợ Cầu
Mua cau Bát nhị, mua trầu Hội An”
“Chim xanh, ăn trái xoài xanh
Ăn no tắm mát đậu cành cây đa
Cực lòng ta phải nói ra
Chờ trăng, trăng lặn, chơ hoa, hoa tàn”
Hay
những bài dài hơn thì thường là tám câu. Tuy nhiên, cũng có những bài
Hát Ru dài hơn nữa nhưng đấy là những câu hát huê tình, hát đối đáp nhân
nghĩa, hát đố, hát xạo mà người Quảng Nam đã xử dụng làm hát Ru.
Về
hình thức, chúng ta có thể nói những bài hát Ru xứ Quảng là những bài
thơ mới, thơ tự do xuất hiện sớm nhất trong thi ca Việt Nam. Có những
bài hát Ru không theo một khuôn khổ nào cả, vì lối bỏ câu hay gieo vần
rất phóng khoáng tự do, cốt diễn đạt được nội dung bài hát chứ không câu
nệ ràng buộc vào khuôn khổ nhất định.
Tỉ như :
“Con chim đa đa, đậu nhánh đa đa
Nó lắc la lắc lẻo
Con chim chèo bẻo
Đậu nhánh măng vòi
Bạn ơi, ới bạn ở hoài rứa răng !
Trên trời, có một mặt trăng
Lâu ngày còn khuyết,huống chi ngãi đạo hằng bạn không lo
Mai đây, biển cạn thành gò
Sông kia cạn nước, bạn cắm đò, chờ ai ?
Chữ rằng : Xuân bất tái lai
Ngày nay hoa nở, ngày mai hoa tàn…”
Hoặc như :
“Ngọn đèn treo giữa gió thì đèn tắt
Gió Nam, gió Bắc
Gió dặc ngọn đèn chao
Ngộ kỳ hương nhi ngộ kỳ giao
Hỡi người ẩn bóng vườn đào
Hội ni không phân giải, để hội nào mới giải phân”…
Và như :
“Giã đò mang giỏ hái dâu
Ghé vô thăm bạn, nhức đầu khá chưa ?
Nhức đầu chưa khá !
Em băng đồng, băng sá
Bẻ một nồi lá về xông
Phải chi nên nghĩa vợ chồng
Đổ mồ hôi em quạt, ngọn gió lồng em che.”
Về Nội Dung :
Điệu Ru Ca Dao với âm hưởng tiếng mẹ là cánh tay yêu thương, âu yếm ôm
ấp, là tấm chăn ấp ủ, là làn gió mát dịu dàng mơn man, mang ước vọng
trang bị tâm thức trẻ thơ từ khi vừa mới chào đời, thấm nhuần cách ăn,
lối ở, hiểu biết cách xử thế, trau dồi ý chí và nghị lực, để khi trưởng
thành có thể sống trong thanh thản, an bình hạnh phúc.
Hơn thế nữa,
chỉ có trẻ sơ sinh Việt Nam, khi vừa mở mắt chào đời đã được chính người
mẹ và những người thân trong gia đình dẫn dắt vào dòng văn học dân gian
bằng những Điệu Ru đong đưa theo võng nôi kẽo kẹt. Nghệ thuật thi ca
bắt nguồn từ văn hóa mẹ truyền đạt, dìu dắt tâm hồn trẻ thơ vào nền giáo
huấn căn bản của con người, đi sâu vào tâm thức, tim óc, vào máu thịt,
vào hơi thở, vào giọng cười hạnh phúc cũng như đau thương.
“Tôi yêu tiếng nước tôi
Từ khi mới ra đời
Mẹ hiền ru những câu xa vời
Ạ à ơi, tiếng ru muôn đời !...”
(Tình ca của cố Phạm Duy)
“Còn non, còn nước, còn dài
Nắng mưa thui thủi, quê người một thân
Đoái trông muôn dặm tử phần
Hồn quê theo ngọn mây Tần xa xa…”
“Chiều chiều, lại nhớ chiều chiều
Bâng khuâng nhớ mẹ, chín chiều ruột đau
Chiều chiều xách giỏ, hái rau
Ngó lên mả mẹ, ruột đau chín chiều…”
“Chiều chiều, lại nhớ chiều chiều
Nhớ nồi cơm nguội, nhớ niêu nước chè
Nhớ hồi, thượng mã lên xe
Nhớ bát nước chè, nhớ chén đường non”…
“Ru con, con ngủ an lành
Mẹ đi gánh nước, rửa bành con voi
Muốn coi, lên núi mà coi
Noi gương Bà Triệu, cỡi voi đánh cồng…”
Hay là :
“Có con, mẹ nghĩ thương thay
Chín tháng, mười ngày mang nặng, đẻ đau
Lên non, mới biết non cao
Nuôi con, mới biết công lao mẫu từ…”
“Xót thay chiếc lá bơ vơ
Kiếp trần biết rũ bao giớ cho xong !
Bốn bề bát ngát mênh mông
Triều dâng hôm sớm, mây lồng hôm sau
Bốn phương, mây trắng một màu
Trông vời cố quốc, biết đâu là nhà
À à ơi…!
Từ phen chiếc lá lìa rừng
Con tằm đến thác hãy còn vương tơ
Ru hời, ru hỡi là ru…!”
Ngoài
ra, Hát Ru là để bày tỏ tâm sự riêng mình, để giải tỏa cho vơi bớt
những nỗi niềm thương nhớ, uất ức tủi hờn đang chất chứa trong lòng. Hát
để một mình mình biết, một mình, mình nghe. Hát là để nhắn nhủ đến một
đối tượng nào đấy, như một người tình cũ, một người bạc tình, bạc nghĩa
hoặc nhắn nhủ người yêu mà không cho người khác biết, cho nên và vì vậy
lời hát mang tính chất ẩn dụ, ngụ ngôn, đôi khi tưởng chừng vô nghĩa
hoặc tối nghĩa giống như một bức mật mã, chỉ riêng một người nào đó biết
mà thôi.
Nếu bài hát chỉ hai câu lục bát thì câu trước là phần tỷ hứng, câu sau là phần thực :
Điển hình :
“Trồng trầu, thả lộn dây tiêu
Con đi đò
dọc, mẹ liều con hư”
Trường hợp bốn câu thì hai câu trước là
tỷ hứng, cốt để gợi ý và hai câu sau là phần thực tức là phần chính yếu
mà câu hát muốn diễn giải :
Ví như :
“Một nong tằm là bốn nong kén
Một nong kén là chín nén tơ
Bạn phỉnh ta, chín đợi mười chờ
Lênh đênh sông nước, vật vờ gió sương”
Và,
nếu bài hát có tám câu, thì bốn câu trước là tỷ hứng gợi ý và bốn câu
sau là thực. (Điểm đặc biệt là Hát Ru Quảng Nam không hoàn toàn mang
tính chất bình dân mà một số câu hát còn đượm tính chất một bài thơ tứ
tuyệt trong thơ Đường. Tuy ngắn gọn nhưng rất cô đọng, thâm thúy dòng
văn chương bác học. Qua một đôi câu hát, chúng ta khám phá ra được trong
đám Nữ lưu đất Quảng Nam ngày trước đã từng có những người theo nghiệp
“bút nghiên” nên họ mới có khả năng xử dụng những câu chữ Nho, lồng vào
trong bài hát một cách tài tình và chính xác) :
“Mạc đạo xà vô giác
Thành long giã vị tri
Dó lâu năm, dó cũng thành kỳ
Đá kia lăn lóc có khi thành vàng
Giá thú bất khả hạ đàng
Công chúa lấy kẻ bán than cũng nhiều
Xưa nay sử sách còn nêu
Từ hoàng lấy gái lão tiều trên non”…
(
Chớ bảo rằng con rắn kia không có sừng mà coi thường nó. Một ngày nào
đó, nó sẽ hóa thành con rồng bay bổng lên mây. Cây dó kia trông tầm
thường như vậy, nhưng biết đâu, ngày nọ sẽ hóa thành một khối kỳ nam,
một loại trầm hương quý giá. Hòn đá đen đũi kia đang nằm lăn lóc giữa
chốn bùn lầy nước đọng, biết đâu chừng là khối vàng ròng ẩn chứa bên
trong. Cho nên việc hôn nhân chớ quá câu nệ sang hèn. Ngày nay người ta
nghèo khó, ngày mai vinh hiển vẻ vang. Sử sách còn chép lại những mẫu
chuyện như nàng công chúa lấy anh đốn củi đốt than cũng như chuyện chàng
hoàng tử kết duyên con gái lão tiều phu)
Hát ru Quảng Nam còn có một số bài được viết theo thể hứng như :
“Vui thay, ba chốn vui thay
Kẻ câu sông Vị, người cày non tiên
Kẻ câu sông Vị, đặng tiền
Người cày núi lỡ non tiên đặng vàng”
Và rất nhiều câu hát viết theo thể phú như :
“Ngó lên hòn Kẽm, đá Dừng
Thương cha, nhớ mẹ quá chừng bạn ơi !
Thương cha, nhớ mẹ thì về
Nhược bằng thương cảnh, nhớ quê thì đừng…”
Như
đã trình bày, điệu hát Ru Quảng nam là loại hình văn nghệ dân gian rất
phổ thông với hai tính chất đơn giản và thường xuyên ( đơn giản vì không
cần có sân khấu, sân đình, không cần có đông khán thính giả). Thường
xuyên vì bất cứ lúc nào cũng có thể hát được. Bất luận ngày đêm. Hễ, chỗ
nào có tiếng khóc trẻ con là nơi đó, có lời Hát Ru.
Về địa lý, Hát
Ru Quảng Nam mang đậm nét đặc thù của vùng sông nước Thu Bồn, vì nơi đây
là điểm giao lưu pha trộn giữa ba nền văn hóa Việt Nam-Chămpa (Chàm) và
Trung Hoa. Từ sáu trăm năm trước, Quảng Nam là đất cũ của người Chiêm
Thành. Sau khi người Việt đến làm chủ vùng đất nầy một thời gian không
lâu thì người Trung Hoa đã có mặt tại Hội An. Những thương gia người Hoa
từ các tỉnh Quảng Đông, Triều Châu, Phúc Kiến và Hải Nam đã dùng tàu
thuyền vượt biển đến phố Hội An lập thành bang hội để buôn bán (nôm na
ta gọi họ là người Tàu ?). Số người nầy đã lấy vợ Việt, sanh con đẻ cháu
và định cư lâu đời tại Hội An chứ không quay về cố xứ nữa. Vào năm 1679
lại thêm số đông người Hoa không phục tùng triều đình Mãn Thanh cũng
chạy sang nước Nam xin tỵ nạn chính trị. Họ đã được chúa Nguyễn dung nạp
cho lập ra làng Minh Hương ( làng của người Minh; ngụ ý người Minh
chống Thanh bên Tàu) cũng tại Hội An. Trải qua nhiều thế hệ và thời
gian, lớp người nầy dần dà đã được Việt hóa hay người Chiêm Thành còn
sót lại trước đó cũng đã được hoàn toàn Hóa-Việt-Quảng-Nam như dòng lịch
sử đã ghi.
Xuyên qua những nhận định và khảo sát thô thiển trong khả
năng và kiến thức hữu hạn, người viết xin trưng dẫn những nét đặc thù
của ba nền văn hóa ấy đã in hằn theo năm tháng trên nướm ruột đất Quảng
Nam, thành phố cổ Hội An qua văn hóa Hát Ru bằng lời Ca Dao diệu vợi quê
nhà :
-Với người phụ nữ Việt Nam bản chất chịu thương, chịu khó, hy sinh tận tụy vì chồng, vì con :
“Chàng theo chữ Biến, chữ Quyền
Chàng trao chữ thảm, chữ phiền thiếp mang
Một trăm tiếng xấu thiếp mang
Tiếng nhơ thiếp chịu,để chàng thơm danh”
-Người
phụ nữ Trung Hoa chịu ảnh hưởng ràng buộc nặng nề lễ giáo Khổng Mạnh,
của chế độ phụ quyền trọng nam khinh nữ nên trong vấn đề tình cảm nam nữ
thường tỏ ra kín đáo, e dè nhưng lại thâm trầm đến tha thiết :
“Ngọn lang tía, ngọn sam cũng tía
Ngọn lang giâm, ngọn mía cũng giâm
Ơi người, ái hữu tình thâm
Nắng dun lá liễu, mưa dầm đọt lê”
-Ngược
lại, người phụ nữ Chămpa còn nặng về chế độ mẫu hệ nên trong việc biểu
lộ tình cảm giữa nam nữ thường tỏ ra bộc bạch, cỡi mở và nồng cháy mãnh
liệt :
“Thiếp xa chàng, hái dâu quên giỏ
Làm cỏ quên liềm
Xuống sông, gánh nước hũ chìm gióng trôi
Về nhà, than đứng thở ngồi
Đập tay xuống chiếu, thôi rồi còn chi !
Bộ nút vàng, xa áo cổ y
Chàng mà xa thiếp tài chi không phiền
Hội ni, nhứt chết, nhì điên
Chàng sầu tư chín tháng, thiếp ưu phiền ngàn năm!...”
NHỮNG GIAI THOẠI : HÁT RU – ĐỐI ĐÁP NHÂN NGHĨA VÀ HUÊ TÌNH QUẢNG NAM
Câu hát Ru đồn Giao Thủy :
Tháng
12 năm 1946 cuộc kháng chiến chống Pháp bùng nổ. Tại tỉnh nhà, Quảng
Nam-Đà Nẵng, quân đội viễn chinh đã chiếm đóng đến sông Thu Bồn. Làng
Giao Thủy, quận Đại Lộc là nơi hợp lưu của hai dòng sông cái Thu Bồn và
sông con, Vu Gia. Quân Pháp đã cho thiết lập một hệ thống đồn bót rất
kiên cố để kiểm soát và ngăn chận sự lưu thông bằng ghe thuyền trên sông
Thu Bồn, con đường thủy lộ huyết mạch xuống Phố, ra Hàn. Suốt ngày đêm
lính Pháp trên tháp canh, hễ thấy có ghe thuyền xuôi ngược là chúng xả
súng bắn phá làm cho thuyền chìm, người chết cho nên không còn một ai
dám bén mảng qua lại. Đồn Tây Giao Thủy gây ra tắt nghẽn sinh hoạt một
thời gian dài từ năm 1947 đến 1954 nên những câu hát Ru được hình thành
trong dân gian với câu chuyện kể :
Một người đàn ông nọ có hai bà vợ,
người vợ lớn không có con, người vợ lẻ có một đứa con nhỏ trạc chừng
một tuổi và cả ba người ở chung một nhà. Thường đêm, người vợ lẻ và con
nhỏ ngủ trong buồng. Người chồng, trên căn ván kê giữa nhà. Phần người
vợ lớn thì đặt một chỏng tre, chắn ngang ngay trước cửa buồng của người
vợ lẻ để nằm ngủ.
Vào một đêm, trời đã về khuya, người vợ lẻ cứ nằm
trằn trọc, thao thức không yên giấc. Bà ta biết được ngoài nầy ông chồng
vẫn còn thức, bèn khẻ hất nhẹ cho đứa bé cất tiếng khóc ọ ẹ … Đoạn, bà
cất tiếng Ru con :
“À ơi !... Đêm Thu gió lọt song đào
Hỏi thuyền quân tử, cắm sào chờ ai ?”
Nghe được câu hát Ru con của người vợ lẻ, ông chồng, tinh ý liền cất tiếng hát nho nhỏ :
“Muốn đi buốn bán cho vui
Ngặt đồn Giao Thủy ngược xuôi khó lòng !
Người vợ cả lúc nầy vẫn còn chưa ngủ, nghe qua hai người hát với nhau như vậy, bèn lên tiếng và rằng :
“Muốn buôn, muốn bán cho vui
(Nộp) đồn Giao Thủy, rồi xuôi tha hồ !”
Một
lúc sau, lại nghe tiếng đứa bé khóc ọ ẹ trong buồng rồi tiếp theo là
câu hát Ru đượm vẻ than thở chán chường của người vợ lẻ :
“À ơi !...Chẳng buôn, chẳng bán thì thôi
(chớ mà…) Nộp đồn hết vốn… còn xuôi làm gì !...”
Con ơi… Con hỡi… à ơi…”
Chùa Cầu Hội An :
“Ai xa phố Hội chùa Cầu
Để thương, để nhớ, để sầu cho ai
Để sầu cho khách vãng lai
Để thương, để nhớ cho ai chịu sầu ?”
Ai
ai trong chúng ta đã một lần đến Hội An mà không biết Chùa Cầu. Có thể
nói, đây là cây cầu biểu tượng phố Hội An. Nguyên chùa Cầu được các
thương nhân Nhựt Bổn xây dựng vào đầu thế kỷ Thứ XVII, gồm có hai phần :
Một phần cầu là dành cho khách qua lại nối liền hai khu phố hai bên.
Và, một phần là Chùa. Tuy gọi là Chùa nhưng thực chất là ngôi đền miếu
thờ Chơn Võ Đế Quân, tức là ông Bắc Đế, một vị thần chuyên diệt trừ các
loại thủy quái.
Tương truyền rằng người Nhựt xây Chùa Cầu để yểm trừ
một con giao long thủy quái, là con vật được mô tả nửa rồng, nửa rắn ở
dưới nước giống như con thuồng luồng mà dân gian gọi là con cù. Con cù
nầy, đầu ở tận bên Ấn Độ, đuôi của nó bên Nhựt Bổn và thân mình, nằm
ngang qua nước Nam. Hội An là điểm nằm chính giữa của thân hình con giao
long thủy quái. Mỗi lần cù dậy, tức là cù cựa mình quậy đuôi là bên
Nhựt xảy ra động đất, cho nên người Nhựt đến Hội An xây đền thờ Bắc Đế
trấn yểm ? Trong chùa có hình Chơn Võ Đế Quân, tay cầm thanh kiếm đâm
thẳng xuống giữa lưng con cù, trông giống như một con rắn dữ.
Vào năm
1691, chúa Nguyễn Phúc Chu, chu du đất Hội An và đến thăm Chùa Cầu rồi
đặt tên cho cầu là Lai Viễn Kiều, hàm ý là cây cầu ở nơi xa lại, rõ
nghĩa hơn là cầu nầy từ bên Nhựt đến nơi đây.
Ngày xưa, từ Thanh Hà
trở lên, ai muốn đi vào Hội An bằng đường bộ thì chỉ có duy nhất là phải
ngang qua Chùa Cầu. Gặp khi trời nắng gắt, khách bộ hành thường đứng
lại nghỉ mát hai bên bao lơn cầu (đã bị phá bỏ), nên nơi đây đã có bao
nhiêu cuộc gặp gỡ tình cờ, đưa đến những cuộc tình duyên kỳ ngộ giữa
những đôi nam nữ. Có khi chàng là khách viễn xứ ghé nơi đây đã gặp gỡ
người con gái Hội An. Sau một thời gian gần gũi, bây giờ khách lại ra
đi, cuộc chia tay đã để lại bao nhiêu niềm thương, nỗi nhớ cho cả đôi
đàng ! mà câu hát Ru nêu trên đã ra đời để phản ảnh cảnh biệt ly và
chúng ta còn nghe những câu ca não nuột :
“Thiếp gặp chàng, chỗ đàng chợ Phố
Chàng gặp thiếp ở chỗ Chùa Cầu
Nhìn nhau, lệ nhỏ thấm bâu
Bạn về xứ bạn, để sầu cho ta !…”
Cô gái hái dâu làng Xuân Đài :
Như
đã trích dẫn trong phần nội dung của Điệu Hát Ru nầy, bài “Mạc đạo xà
vô giác” đã xuất hiện lâu đời nhất trên đất Quảng Nam. Tương truyền rằng
đây là bài hát mà Đoàn Quý Phi, người con gái làng Xuân Đài đã ngâm nga
trong lúc hái dâu dưới trăng khuya. Vào năm 1616, dinh trấn Quảng Nam
đóng tại làng Kẽ Thá (Thanh Chiêm), nằm về phía tả ngạn sông Thu Bồn,
gần cầu Câu Lâu ngày nay. Vào một đêm trăng sáng, chúa Nguyễn Phúc
Nguyên cùng công tử Nguyễn Phúc Lan du thuyền trên sông. Lúc thuyền Chúa
lên đến dải núi Chiêm Sơn, tại đây, núi vươn dài ra sát bờ sông và đêm
đã về khuya, trăng lên tới đỉnh đầu. Chúa, sắp ra lệnh thuyền quay về
thì bỗng đâu, vang lên giọng hát giữa không gian thanh vắng từ bãi dâu
xanh ngát một màu bên làng Xuân Đài. Một giọng hát trong trẻo du dương,
trầm bổng, chứa đựng nhiều ý nghĩa sâu sắc khiến Chúa phải lưu ý lắng
nghe. Chúa bèn ra lệnh thuyền cập bến dâu rồi cùng công tử Phúc Lan lần
theo tiếng hát để tìm đến tận nơi cho biết sự tình. Sau cùng, họ phát
giác ra một người con gái đang hái dâu, miệng hát véo von hết câu nầy,
đến câu khác. Thấy có người lạ, cô gái giật mình kinh sợ, nhưng khi nhận
ra đấy là những người có vẻ khác thường, cô gái cúi đầu chào hỏi lễ
phép. Dưới ánh trăng vằng vặc, Chúa Nguyễn nhìn thấy cô gái đất Quảng
Nam tươi đẹp như hoa, cốt cách đoan trang thùy mị. Phần, công tử Nguyễn
Phúc Lan thì :” Tình trong như đã, mặt ngoài còn e…” nên chi xiêu lòng
mến thương cô gái tại chỗ, đồng thời chúa Nguyễn cũng đồng ý cưới cô gái
hái dâu làng Xuân Đài nầy cho Nguyễn Phúc Lan làm vợ.Về sau, cô gái trở
thành thân mẫu của chúa Nguyễn Phúc Tần và được truy tôn là Đoàn Quý
Phi. Ngoài bài hát dẩn thượng, cô gái hái dâu còn lưu lại :
“Tai nghe, Chúa ngự thuyền rồng
Thiếp thương, phận thiếp, má hồng nắng mưa
Thuyền rồng, Chúa ngự nơi đâu ?
Thiếp thương phận thiếp hái dâu một mình !...”
Cô gái dệt vải làng Bảo An :
Làng Bảo An, nồi tiếng là đất thanh cảnh với nhiều trai thanh, gái lịch:
“Cây đa mô, cao cho bằng cây đa Bàn Lãnh
Đất mô, thanh cảnh cho bằng đất Bảo An
Chỗ mô vui cho bằng chỗ Phố, chỗ Hàn
Dưới sông, tàu chạy, trên đàng ngựa xe…”
Sở
dĩ Bảo An nổi tiếng là đất thanh cảnh vì Bảo An không phải là làng
thuần về nghề nông mà đa số dân chúng sống với nghề truyền thống dệt và
bán vải. Ngày xưa, nơi đây cung cấp vải cho khắp tỉnh Quảng Nam và các
vùng lân cận. Vải Bảo An là vải ta, khổ hẹp, bề ngang không qúa năm tấc,
được dệt bằng tay trên những khung cửi rất thô sơ, lạc hậu, chưa được
cải tiến suốt mấy ngàn năm lịch sử. Lối dệt vải nầy được vua Lê Thánh
Tông diễn tả :
“Tay ngọc lần đưa thoi nhật nguyệt
Gót vàng, giậm đạp máy âm dương…”
Người
con gái Bảo An chỉ ngồi trong nhà dệt vải, không phải chân bùn, tay
lấm, dãi nắng dầm mưa nên được trắng da, dài tóc hơn những cô gái khác.
Hai câu Ca Dao ngụ ý mỉa mai, diễu cợt của những người thợ nhuộm nói về
tài dệt vải thưa (sưa) con gái Bảo An. Dệt thưa, ít tốn nguyên vật liệu
(vải sợi), ít tốn công hơn nên giá thành rẽ hơn và cũng dễ cạnh tranh
thị trường hơn. Do vậy ta thường nghe : “Đan thưa (sưa) như đan mành
mành !”, được diễn tả qua câu hát :
“Tiếng đồn, con gái Bảo An
Sáng mua vải sợi, chiều đan mành mành !...”
Xin
kết thúc bài viết nầy qua giai thoại chơi chữ dân gian Quảng Nam qua
những câu hát đối đáp giữa hai bên Nam, Nữ rất thú vị và tinh quái cũng
như câu hát “Hò Khoan” bất hủ :
Nam xướng :
“Hột vịt, đổ lộn trứng gà
Thấy em, má trắng, anh mà muốn hun” (hôn)
Nữ đáp :
“Hai chân (chưn) em đứng dưới bùn
Quần em vận chặt, anh hun chỗ nào ?”
Nam :
“Ơn sâu, chín chữ cù lao
Tình thâm, nghĩa nặng, chỗ nào anh cũng hun”
Nữ :
“Anh về, thưa với mẹ cha
Tiền trăm, bạc chục đưa mà em cho hun”
Nam :
“Anh hun một cái, anh chơi
Tiền trăm, bạc chục, xứng đôi vợ chồng…”
Nữ :
(Cô gái chịu hết xiết, liền buông câu cuối cùng) :
“Má mô, mà má, anh hun không?
Chó chạy ngoài đồng, anh cứ bắt, anh hun…”
Quá
giận thì nói vây thôi, nhưng trong lòng cô gái chắc cũng phục thầm tài
“ứng đối” của anh chàng Quảng Nam tinh nghịch. Biết đâu chừng, một ngày
đẹp trời nào đó, sau khi đã lễ mễ mang đến nhà gái ”tiền trăm, bạc chục”
để rước dâu, ao ước của chàng trai kia lại chẳng thành sự thật ?
Câu hát hò khoan có chữ “Dùi Chiêng “ (Địa danh của vùng : Tý, Sé, Dùi Chiêng, Tây Diên và Hội Khách)
Ông
Bá Giãng , người làng Dùi Chiêng, Quế Sơn, là tay giàu nức trứng chốn
sơn lâm, non nước hữu tình, lại hay thi phú, rượu bầu và ngâm nga hát
xướng cho đời thêm vui. Ông Hương Quận, thôn Bình Yên, Đại Lộc, tận miền
xuôi làm nghề “Bảy đáp” có tài hát hò khoan trứ danh tiếng đồn làng
trên, xã dưới. Một hôm, Hương Quận quảy rọ lên Dùi Chiêng mua heo về mổ
thịt, bất đồ, tình cờ vào nhà Bá Giãng đang có đêm hát Hò Khoan. Bá
Giãng liền thách thức Hương Quận là làm sao trong câu hát Hò Khoan có
chữ “Dùi Chiêng” (tên làng) thì mới phục. Rượu mời đã vào, thì lời phải
ra, Hương Quận, với sở trường liền xuất khẩu giữa Hội hát hò khoan đủ
đầy nam thanh, nữ tú :
“Hố khoan chớ mà hố hợi là hò khoan…!
Tui đây, khách lạ xa đàng !
Lên đây, ông Bá bảo hát giữa các nàng ở làng Dùi Chiêng
Rạng ngày mai, tui đảo cảnh Bình Yên
Các cô ở lại có Chiêng,(chớ mà) không Dùi
(khoan hụi là hò khoan…!)
Về nhà, lòng lại bùi ngùi
Các cô ở lại (chớ mà) không Dùi (lại) bỏ Chiêng
Trai anh hùng, nay gặp gái thuyền quyên
(Rồi) Có ta, có bạn , (chớ mà)… có Chiêng, (mới) có Dùi…!
(Khoan hố hụi là hò thôi)…! “
Đỗ Xuân Quang
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét