Nhân ngày Báo chí 21
tháng 6, anh PTM K9 đã có bài nhàn đàm gửi các Nhà báo và được đăng trên
tạp chí Văn hóa- Du lịch Đà Nẵng số tháng 7 & 8 năm 2013 như sau:
Một trong những câu chuyện ngụ ngôn Việt Nam thường làm cho
bọn trẻ con cười ngất ngây là chuyện con "tùm". Chuyện kể rằng, có đàn
thỏ rủ nhau đến quanh cái hồ lớn tại khu rừng nọ. Đến lúc sung chín,
thỉnh thoảng một quả rơi xuống hồ kêu "tùm". Chú thỏ nhỏ nhất nghe tiếng
kêu ấy không biết là con gì liền bỏ chạy. Cả đàn hoảng hốt chạy theo.
Giữa đường gặp cáo, cáo hỏi: "Tại sao các chú phải chạy?". Đàn thỏ hổn
hển đáp: "Khiếp lắm, có con "tùm" ở đàng sau!". Thế là cáo cũng cúp đuôi
chạy theo. Rồi lần lượt gặp khỉ, hươu, nai, mang, trâu, heo… và cả voi,
báo, hổ nữa; con nọ truyền tin không đầu không đuôi cho con kia, cả
bọn đều hoảng hốt như nhau, chạy bán sống bán chết. Duy chỉ có con sư tử
già bình tỉnh, chặn cả bọn hớt hơ hớt hải ấy lại và hỏi: "Chúng bay làm
gì hoảng hốt cả lên thế? Mà đứa nào không lanh lẹ thì cũng đều có móng
vuốt cả, sao không chống cự lại? Mà con "tùm" là con gì? Phải dẫn ta đến
xem mới được". Cả bọn đều xanh mặt, nhưng trước uy quyền của Chúa tể
rừng xanh, chúng đành dẫn sư tử đến bờ hồ. Lại một quả sung rơi xuống
hồ, bọn thỏ lại cuống cuồng; rồi hai, ba,.. liên tục rơi xuống. Sư tử
bảo thỏ nhặt "con vật" rơi xuống hồ, rồi cười nói: "Con "tùm" đây phải
không?". Cả bọn đều ngớ người!
Thế đấy, một con thỏ
nhát gan làm cả đàn sợ lây. Cả đàn thỏ sợ làm muông thú nơi rừng xanh
cũng hoảng hốt. Duy chỉ có sư tử già sống lâu, kinh nghiệm nên bình tỉnh
tìm cho ra lẽ. Thế là cả bọn thú rừng mới tỉnh táo ngọn nguồn đâu là
thiệt, đâu là hảo!
Nhắc lại câu chuyện này để liên hệ với làng báo chí thi thoảng cũng đưa
"tin đồn" để dư luận tưởng là "thiệt", đôi lúc làm cho trật tự xã hội
rối tung, người dân nơm nớp lo âu. Cách nay chừng mươi lăm năm, có tờ
báo ở tỉnh loan tin về người phụ nữ ở miền trung du cứ đêm khuya thì tự
dưng cơ thể phát ra "ánh hào quang" mà không ít người lại tin theo. Lại
cách nay gần mươi năm, chuyện những đống rơm ở thị trấn Nam Phước, huyện
Duy Xuyên, Quảng Nam tự dưng bốc cháy, và không ít các tờ báo trong và
ngoài tỉnh khai thác đăng nhiều kỳ, các cơ quan chức năng vào cuộc và
các nhà khoa học ở tận Trung ương về nghiên cứu để tìm ra "ẩn số” nguyên
nhân của các vụ cháy ấy … là do một cháu bé nghịch ngợm dùng bật lửa
đốt. Sau đợt lũ lụt hồi tháng 11 năm 2009, cũng từ thông tin ở tỉnh
Quảng Nam mà có khá nhiều tờ báo danh tiếng trong nước vội vàng loan tin
"thú dữ có bàn chân lạ" xuất hiện cũng ở vùng Nam Phước, lần này có cả
ảnh minh họa, ý kiến của những người có “trách nhiệm”…, để rồi vài ngày
sau thì chính các tờ báo ấy lại đưa ra kết luận "bàn chân thú lạ… là bàn
chân chó bẹc-giê!".
Câu chuyện quỷ quái hơn là câu
chuyện sau cơn bão chanchu (bão số 1) hồi giữa năm 2006. Trong lúc đồng
bào cả nước chia sẻ bằng tinh thần và cả vật chất giúp đỡ hàng trăm gia
đình có người thân không may phải bỏ mạng giữa biển khơi trong cơn bão
khủng khiếp ấy, thì sau gần hai tháng tạnh bão, có chàng ngư dân ở Quế
Sơn đột ngột "sống sót' và "chống chọi" với phong ba bão táp để trở về
trong vòng tay thương yêu của vợ con, hàng xóm…(!) Mẩu tin ly kỳ và khá
độc đáo ấy được nhanh chóng loan tải trên các tờ báo "uy tín" của cả
nước, phát thanh- truyền hình tỉnh "kịp thời" và cả phát thanh-truyền
hình quốc gia cũng thông tin "đúng lúc" với những hình ảnh "sinh động",
lời phát biểu "sống"…, ngày hôn sau lại khá nhiều tổ chức và cá nhân
hiếu động đến gặp "người sống sót" để khai thác thêm thông tin, khả năng
kỳ diệu của người này và cả việc giúp đỡ vật chất để phục hồi sức khỏe
sau thời gian lên đênh trên biển cả(!). Nhưng sau đó mọi việc lại vỡ
lẽ, vì không qua được con mắt của những người dân bình thường mà tỉnh
táo. Rồi báo, đài lại tốn quá nhiều công sức để cải chính vụ việc này!
Và gần đây nhất là hồi đầu năm 2011, chương trình “Người xây tổ ấm”
trên sóng truyền hình Việt Nam, Nhà Đài cho phát “Tình đầu bất hạnh của
cô bé mồ côi” nói về nhân vật chính có tên là Lượm kể lại của mình rất
xúc động khiến nhiều khán giả không kìm được sự cảm thương cho số phận
nghiệt ngã của Lượm. Nhưng hởi ôi, câu chuyện cảm động ấy lại là …
chuyện bịa, lừa cả hàng triệu người. Sau đó Nhà Đài công khai xin lỗi
khán giả, thính giả cả nước. Nhưng tiếc thay các phóng viên khi tác
nghiệp đã mơ hồ, không kiểm chứng sự thật.
Chuyện cũ
đã qua rồi. Mọi việc rồi cũng bình thường. Nhưng đôi khi ta lại nghĩ,
sao những người cầm bút không tỉnh táo như con sư tử già ở khu rừng nọ
phải tìm tới nơi tới chốn để biết thực hư như thế nào, để rồi tự hỏi và
tự trả lời có hơn không? Đằng này, chỉ vì thông tin "đồn đại", một con
thỏ ngộ nhận để cả đàn thỏ "tin" theo, cả đàn thỏ "tin" là muôn thú khắp
khu rừng cũng tin nốt, thật là tai hại! Ví như những luồng thông tin ấy
mà có sự nghi vấn của vài tờ báo khác kịp thời phản hồi có phải tốt hơn
không? Đằng này, hàng loạt các tờ báo đưa tin như nhau, cải chính như
nhau trong một thời điểm, có khác chăng là cách hành văn, trình bày và
vài chi tiết lặt vặt!.
Nhân ngày 21 tháng 6, người viết
bài này mong được chia sẻ với các bạn viết đừng bao giờ biến quả sung
rớt xuống nước thành con "tùm", đừng biến con "tùm" thành con "tùm lum".
PHAN THANH MINH K9
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét