Thứ Bảy, 11 tháng 5, 2013

CHUYỆN BÂY GIỜ MỚI KỂ



Chú út tôi có hai người bạn thân thời trung học là Phạm Trọng Yêm và Nguyễn Hồng Anh, chú tôi đi lính đóng quân xa nhà, nên nhờ hai người bạn này thỉnh thoảng xuống chỉ bảo việc học hành cho chị em tôi. Hai người họ cứ đều đặn vài ngày lại ghé xuống nhà tôi.

Một hôm Trọng Yêm và Hồng Anh đưa cho tôi một xấp vải trắng, số vải này đã được cắt vuông vức thành những chiếc khăn tay, trên mỗi chiếc khăn đều có ghi hai câu thơ, họ nhờ tôi và bạn tôi thêu dùm. Phạm Trọng Yêm thì đưa cho tôi, còn Nguyễn Hồng Anh thì nhờ Phạm Thị Thông (chúng tôi nhận lời giúp họ, nhưng trong lòng cứ thắc mắc không biết hai người làm gì với mớ khăn này). Trong lớp tôi, Thông là người thêu đẹp nhất, có lần Thông thêu cả bức tranh Quang Trung đại phá quân Thanh, mang đi triển lãm bên Phan Châu Trinh, có một anh bên trường ấy đã năn nỉ xin cho được bức tranh này, còn tôi lại không thích chuyện thêu thùa. Thông thêu xong được vài cái thì ngờ ngợ nhận ra một điều gì đó, Thông gởi trả lại những mảnh vải cho chú Hồng Anh với lý do không có thời gian. Thông đem những suy nghĩ này nói cho Ngọc Dung nghe (Dung là cô bạn cùng trong nhóm ba đứa của bọn tôi) nhưng lại không nói gì với tôi, hai đứa lúc nào cũng thầm thì to nhỏ, đôi lúc tôi giận vì thấy mình bị gạt ra ngoài những bí mật của hai đứa hắn. Chính vì không biết chuyện gì, nên tôi vẫn vô tư chăm chút từng đường kim mũi chỉ, sau khi làm xong tôi giặt ủi cẩn thận rồi trao lại cho Trọng Yêm.

Không lâu sau, tôi nhận được một phong thư của Phạm Trọng Yêm, trong phong bì ngoài lá thư còn có những chiếc khăn do tôi thêu. Đọc thư xong tôi nghe người lạnh từ đầu đến chân, làm sao tôi có thể ngờ những câu thơ tôi tỉ mỉ thêu lại là dành cho tôi, hay những lúc Trọng Yêm mang đàn xuống nhà tôi hát vu vơ những bản tình ca, là có niềm riêng gởi gắm trong đó. Ông nội của Trọng Yêm vốn sui gia đôi với ông cố tôi (Ông Bá G và ông Hội H hai người từng nổi tiếng một thời ở vùng núi Dùi Chiêng về tài săn voi và cọp, chính là ông cố và ông nội của Trọng Yêm. Họ là nguyên mẫu của nhân vật ông Bá Hoành và ông Hội Hiệt trong tác phẩm Quê Nội của nhà văn Võ Quảng), như thế về vai vế Trọng Yêm hơn tôi một bậc, chú lại là bạn thân của chú út tôi, đã biết tôi từ những ngày tôi còn rất bé và vào thời điểm xảy ra chuyện này, tôi còn chưa đầy mười sáu tuổi. Tôi đưa thư cho Thông và Dung coi, đến lúc đó hai đứa mới nói với tôi là bọn hắn đã nghi ngờ chuyện này. Tôi gởi khăn cùng thư trả lại cho Trọng Yêm và từ đó không nhìn chú ấy nữa.
Hai ông chú này lại coi như không có chuyện gì xảy ra, họ vẫn đều đặn xuống nhà tôi, đối với tôi không khí ngày ấy thật nặng nề. Tôi dấu kín ba má và chú tôi mọi chuyện, chỉ kể cho mỗi dì út của tôi nghe thôi. Lần hồi Trọng Yêm cũng không chịu đựng được bầu không khí lạnh ngắt đó… Một hôm tôi lại nhận được một chiếc hộp nhỏ có thắt nơ xinh xắn do dì tôi chuyển cho, trong hộp đựng một con bồ câu mẹ và bốn chú bồ câu con bằng sứ trắng muốt, kèm theo một mảnh giấy ghi dòng chữ “Mong rằng có thể trở lại như xưa”. Những chú bồ câu xinh quá làm tôi không cưỡng lại được nên đã nhận chúng, nhưng có điều… chẳng thể nào trở lại như xưa…

Đà Nẵng một ngày cuối tháng 3 năm 75, Phạm Trọng Yêm đi một mình xuống nhà tôi, chú hỏi ba má tôi có chạy vào Nam không, ba má tôi trả lời là không đi vì sợ chị em chúng tôi rơi rớt dọc đường (Nói thế nhưng má tôi vẫn đeo vào cổ chị em tôi mỗi đứa một cái túi nhỏ trong đó có bỏ tiền, phòng cho trường hợp phải ly tán) Trọng Yêm chào từ biệt gia đình tôi và tôi nhìn thấy những giọt nước mắt của chú, trong tôi lúc đó có một chút buồn, đồng thời cũng nhẹ nhõm vô cùng…

Sau năm 75 thì gia đình tôi dọn vào Nam. Mấy năm sau Phạm Trọng Yêm tìm đến thăm, nhìn thấy chú ấy từ đầu ngõ là tôi đã trốn mất, chú ở nhà trên thì tôi xuống nhà dưới, chú xuống dưới thì tôi lại vòng ra sau và quan sát chú qua cửa sổ. Chú không hỏi tôi đi đâu mà chỉ có đôi mắt là tìm kiếm và đó cũng là lần cuối cùng tôi nhìn thấy chú. Một thời gian cũng khá lâu sau, tôi nghe tin chú lập gia đình rồi về sinh sống ở Bình Tuy và hơn mười năm trước đây chú đã qua đời vì bệnh ung thư (Trọng Yêm mất rồi thì những chú bồ câu tôi cũng không giữ lại nữa) Phạm Thị Thông bạn tôi thì yên nghỉ trên mảnh đất quê nhà Duy Xuyên khi vừa bước sang tuổi mười chín. Chú Nguyễn Hồng Anh thì vào sống ở Vũng Tàu, thỉnh thoảng có ghé lên nhà tôi. Đầu thập niên tám mươi chú qua Mỹ định cư, từ đó đến nay tôi chưa hề gặp lại…

PHAN MẠNH THU – K9 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét