Thứ Hai, 22 tháng 4, 2013

ĐÓNG CỬA DẠY NHAU

Nhớ lại, khi nhận quyết định rời bục giảng, mình vui quá đã lếu láo ngâm cuồng : “Sung sướng quá, giờ nghỉ hưu đã đến – Một lão ông sáu chục hả hê cười – Từ bây giờ cởi trói cuộc đời tôi – Ôi tất cả niềm vui đang hứa hẹn”. Để rồi sau đó, tĩnh tâm lại, đành thầm xin nhà thơ Xuân Tâm thứ tội! Dù không đi lập am nhàn, nhưng đã hưởng được cái thú “trăng đến trước cửa”. Hơn một năm rồi, lòng mình cũng đã khỏe
nhẹ rất nhiều. Vậy mà, mấy ngày nay đọc Thông tư sửa đổi, bổ sung một một số điều của Quy chế thi tốt nghiệp THPT của Bộ Giáo dục và Đào tạo mà lòng không vui. Mình cứ vẩn vơ mãi và rồi mới “ngộ” ra rằng, về nghỉ nhưng không phải nghỉ mà luôn luôn nghĩ. Làm sao anh có thể không nghĩ khi anh là một con người.
Mới năm nào đây, Bộ Giáo dục và Đào tạo hô to gọi giật chống bệnh thành tích, chống gian lận trong thi cử, nay lại hãm phanh bằng Điều 42a của Thông tư 04. Ở điều này, Bộ quy định việc “xử lý thông tin phản ánh về tiêu cực trong kỳ thi” như sau : “Người có bằng chứng về vi phạm quy chế thi không được phát tán thông tin cho người khác, dưới bất kỳ hình thức nào. Bằng chứng về việc vi phạm quy chế thi tốt nghiệp THPT phải nộp cho cơ quan có thẩm quyền. Cụ thể, nơi tiếp nhận thông tin bằng chứng về vi phạm quy chế thi là Ban chỉ đạo thi tốt nghiệp THPT Trung ương hoặc Ban Chỉ đạo thi cấp tỉnh (thành phố) và Thanh tra giáo dục các cấp”.

Về Điều 42a này, đã có rất nhiều phản ứng khác nhau của những ai quan tâm đến chất lượng giáo dục, quan tâm đến vấn đề dân chủ trong việc tố cáo gian lận trong thi cử, quan tâm đến việc chấp hành luật. Điểm qua những bài viết, mình thấy có hai ý kiến nổi bật. Một là, qua điều 04 này, Bộ đã đi ngược lại “Luật Tố cáo được Quốc hội ban hành năm 2011 không hạn chế công dân gửi bằng chứng tố cáo chỉ cho riêng một cơ quan nào”. Hai là “quy định của Thông tư cho thấy Bộ Giáo dục & Đào tạo lo sợ cái xấu xa, yếu kém trong thi cử bị lọt ra ngoài”. Mình rất đồng ý với các ý đã nêu trên. Nhưng lại nghĩ, xem ra căn bệnh thành tích trong giáo dục nó đã lậm sâu lắm rồi. Căn bệnh đã bám rễ vào não trạng của cái cơ thể giáo dục Việt Nam, nhưng người ta chỉ chữa các triệu chứng để cắt cơn tạm thời. Và nếu có chạy chữa theo hướng tích cực thì cũng mang tính hình thức, có tính giai đoạn, nôm na kiểu dân gian là “chữa cháy”, “đánh trống bỏ dùi”, “giật gấu vá vai”.
Cứ nhìn vào một số câu chuyện giáo dục gần đây thôi cũng rõ. Trước đấy, học sinh đạt giải ba quốc gia trở lên được tuyển thẳng đại học, sau đó để tránh bùng nhùng khó hiểu vì một học sinh đạt giải nhưng lại học yếu ở đại học, nên Bộ quyết định không tuyển thẳng. Việc tuyển thẳng tùy trường nhưng với điều kiện, học sinh đó thi đại học đạt điểm sàn trở lên. Thế mà, hai năm trở lại đây, câu chuyện tuyển thẳng đại học của học sinh đạt giải quốc gia trở lại như xưa. Nghe đâu về lại cái cũ bởi nhiều Sở GD & ĐT phản ứng, không tuyển thẳng, học sinh của họ không mấy mặn mà việc học bồi dưỡng, phong trào theo đó mà teo tóp lại. Vừa mũi lòng trước thực trạng của các Sở, vừa muốn giữ phong trào, Bộ đã gài số lùi cho trường hợp tuyển thẳng của học sinh giỏi đạt giải quốc gia về vị trí cũ. Muốn giữ phong trào cũng có nghĩa là Bộ không cần khách quan, chất lượng mà cần hình thức.
Rồi câu chuyện thi TN. THPT, Bộ quyết tâm chống tiêu cực trong thi cử nên đã có những biện pháp xem ra tích cực như cử Đoàn thanh tra Bộ mà thành viên là các giảng viên các trường đại học về các sở làm công tác thanh tra kì thi và chấm thi; đổi bài thi Sở này cho Sở khác chấm,… Nhưng xem ra không Sở nào dám khách quan khi chấm, họ cứ đem tâm lí của mình mà chấm bài của Sở khác. Sở nào cũng sợ mang tiếng, sợ “ác giả ác báo”. Nếu như vậy thì thi đua thế nào đây. Ăn nói thế nào với lãnh đạo chứ… Hệ quả là cả nước năm nào cũng 90% tốt nghiệp trở lên. Chỉ có một năm, “Đồi Ngô” là thấp. Và năm ngoái lại đi giật lùi như xưa. Bài ai người ấy chấm thuận tiện trăm bề!
Rồi câu chuyện danh hiệu “Người thầy giáo được học sinh quý trọng nhất” rộ lên một năm, sau đó xếp xó trong lãng quên! Một câu chuyện làm theo cảm tính, chạy theo hình thức, làm cho có thì kết cục phải thế thôi! Chao ơi, tầm nhìn sâu rộng đâu rồi ?
Qua một số câu chuyện trên, có thể nói rằng cái điều 42a Thông tư 04, cũng là cách quay về cái cũ. Phải chăng Thông tư này ngầm đồng tình quan niệm về cái đẹp là chỉ có trong thời quá vãng của Nguyễn Tuân trong “Vang bóng một thời” ? Có lẽ không. Thông tư muốn người trong nhà phải đóng cửa dạy nhau, đừng để cho người ngoài biết mà xấu hổ. Thế thì cũng tạm chấp nhận đi vì Bộ rất yêu và có ý thức gìn giữ truyền thống! Nhưng liệu đóng cửa mà có dạy nhau không? Hay đóng cửa để tạo một hình thức “nhà mình” vẫn yên ấm, để “bắt thóp” các người phát hiện và tố cáo! Hay để những bề trên trong ngành ai cũng đều có cảm giác an toàn, hễ hả.
Như vậy, Bộ đưa ra điều 42a trong Thông tư 04, vưa đi ngược luật pháp vừa bắc giậu cho cặp song sinh : bệnh thành tích và chủ nghĩa hình thức, tiếp tục leo cao. Mỗi khi còn chạy theo thành tích thì hình thức vẫn không thể mảy may loại bỏ được. Và tiêu cực trong thi cử, học tập cũng vì thế mà sinh sôi nhiều hơn. Thế là thì cử không thể chọn được người đúng chuẩn, chọn được người tài để đào tạo và sử dụng người tài cho sự phát triển của đất nước. Nếu thi cử lấy tiêu chí trọng tài, trọng trí, thì sẽ không loay hoay quá nhiều như thế. Đằng này… Và nếu cứ như thế này, thử hỏi, giả dụ có người hỏi về chất lượng giáo dục, về sự suy thoái đạo đức khoa học, đạo đức con người, làm sao tránh khỏi sự ấp úng đây.

Thầy Hoàng Dục

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét