Thứ Hai, 8 tháng 4, 2013

HÀNH TRÌNH ĐI VIẾNG MỘ THẦY


Người thầy, người cô thật sự là những người đưa đò của đời mình, âm thầm lặng lẽ mang những kiến thức và sự hiểu biết truyền đạt cho chúng ta, đưa chúng ta đến bến bờ của tri thức..

Nhưng cuộc sống với bao vất vả mưu sinh cuốn trôi chúng ta theo dòng đời, mấy ai trong chúng ta trở lại bến sông xưa, trong khi đó thời gian cũng làm cho thầy cô chúng ta già đi theo năm tháng.

Trong thời gian qua, những lần họp mặt lớp cũ, trường xưa của các anh chị cựu học sinh hay trong những lần họp mặt Đông Giang tha hương như Đông Giang Saigon, Đông Giang Hải ngoại…Chúng ta có dịp gặp lại những người thầy, người cô của mình tất cả với sự kính trọng, những lần mời thầy cô dự họp mặt, đôi lúc chỉ là câu chúc, lời thăm hỏi và có khi chỉ là bó hoa tặng thầy cô cũng làm đọng lại những cảm xúc chân thành về sự biết ơn.

Và trong những dịp như thế nầy nhiều anh chị CHS Đông Giang cũng thường hay nhắc nhớ về những người thầy, người cô đã sớm trở về cõi vĩnh hằng mà chúng ta chưa kịp một lần gặp lại. Từ những suy tư trăn trở đó mà anh Đỗ Xuân Khẩn K6 đã có một bài thơ VỀ MUỘN hết sức cảm động và sau nầy anh đã phổ nhạc gửi về cho Đặc san 50 năm …Tình cảm thương nhớ về thầy cô, các ca từ “ thầy đâu rồi thầy, cô đâu rồi cô “ làm thôi thúc anh để rồi anh điện cho chúng tôi trước khi anh về Đà Nẵng : Lần nầy về bọn mình phải đi viếng mộ thầy cô.


I. Chúng tôi nhận lời sẽ đưa anh đi mặc dù chúng tôi chưa một lần biết mộ các thầy ở đâu. Để cần có người chỉ đường, chúng tôi phải điện khắp nơi, gặp cô Nguyễn Thị Sáu, gặp Thầy Nguyễn Ba cũng chỉ nhận cái lắc đầu, điện cho cô Ngọc, cô chỉ biết sau 75 vợ thầy Trần Ngọc Thành bán vải ở chợ Cồn sau nầy không biết cô đi đâu..

Việc tìm mộ thầy Thành đến lúc tưởng chừng bỏ cuộc thì chúng tôi chợt nghĩ đến chị Thân Thị Bay, với suy nghĩ đơn giản chị Bay học K5, chúng tôi học K6 cũng đều là học trò thầy Trần Ngọc Thành, thật ra tôi và chị Bay ít khi gặp nhau nếu không nói chỉ một lần duy nhất hôm thầy Bạn về thăm, chúng tôi cũng ít khi điện cho chị trừ một lần gần nhất là ngày về của cô Hồng Khanh, không biết đây có phải sự mách bảo tâm linh của thầy hay không mà khi điện chị Bay, chị nói để chị hỏi thăm và chưa đầy 10 phút sau chị Bay điện lại cho chúng tôi báo sẽ có người đưa mình lên mộ thầy Thành, đó là người cháu của thầy quê ở Đại Lộc cùng quê với chị, hiện anh đang ra Đà Nẵng để đi làm nghề xây dựng, chị Bay nói sẽ cùng chúng tôi đi viếng mộ thầy, chúng tôi hết sức vui mừng.

Phần mộ của Thầy Bùi Văn Phát, chúng tôi đã có số phôn của con trai thầy là Duân qua đứa cháu gọi thầy bằng cậu ghi lại.

Số điện thoại của nhà thầy Phụng không ai biết, thầy Nguyễn Ba chỉ biết tên vợ của thầy Phụng là Tào Thị Thanh Hải, chúng tôi gọi 1080 xin số điện thoại của cô Tào Thị Thanh Hải ở Thọ Quang - Đà Nẵng, tổng đài bảo không có ai tên Tào Thị Thanh Hải đăng ký điện thoại, tôi lại điện cho tổng đài 1080 ở Quảng Nam để xin số điện thoại nhà Tào Nghị - Nghị là em vợ thầy Phụng quê Duy Xuyên, Nghị học cùng K6 với chúng tôi - nhưng Tổng đài 1080 trả lời không có ai tên Tào Nghị đăng ký điện thoại ở Duy Xuyên, Quảng Nam, họ Tào rất ít không như họ Nguyễn họ Lê, chúng tôi quyết định điện hỏi tổng đài cho chúng tôi xin số điện thoại bất kỳ ai đăng ký điện thoại tại Duy Xuyên, QN có họ là Tào thì tổng đài 1080 cho một loạt số điện thoại của Tào Thị Mai, Tào Viết Ba, Tào… Tôi điện cho anh Tào Viết Ba để hỏi thăm anh có biết anh Tào Nghị không, anh Ba trả lời Tào Nghị là con ông bác thúc bá ở cách nhà anh mấy căn, tôi nhờ anh nhắn nói Nghị điện cho tôi theo số phôn tôi đọc cho anh…Thế là chúng tôi có trong tay số phôn của Châu con trai thầy Phụng từ anh Tào Nghị trước khi đi.

Đúng hẹn, chúng tôi gồm anh Chưởng - cháu thầy Thành-, anh Huỳnh Ngọc Dẫn K6, chị Thân Thị Bay K5, anh Đỗ Xuân Khẩn K6 và tôi lên nghĩa trang Hòa Sơn, phần mộ của thầy Trần Ngọc Thành không khó tìm vì có anh Chưởng dẫn đường, thấy trên mộ phần có nhiều cỏ, không ai bảo ai, các anh chị đã xúm lại nhổ, một cử chỉ thể hiện sự quý mến yêu thương đối với người thầy của mình mà tôi đã kịp lấy máy ảnh chụp lấy chụp để mới có được những tấm hình nầy….


Sau đó chúng tôi tiếp tục lên nghĩa trang Gò Cà tìm phần mộ của thầy Bùi Văn Phát, thầy Đặng Ngọc Phụng, tại đây việc tìm mộ thầy Phát thầy Phụng giống như trong những câu chuyện tìm mộ của những nhà ngoại cảm ... Trong bao la rộng lớn của nghĩa trang Gò Cà với cái nắng gay gắt của buổi trưa, chúng tôi đi dò tìm dưới sự hướng dẫn từ xa qua điện thoại đi động của con các thầy : rẽ trái, sang phải, xuống dốc, lên dốc… Đang tiếp tục tìm kiếm, 12 giờ trưa chúng tôi nhận được điện thoại bảo “ các anh đi về hướng Tây chừng 50 -60 m nữa, lúc nầy mặt trời ngay trên đỉnh đầu nên chúng tôi chẳng xác định phía nào là Tây, phía nào là Bắc, cứ thế vừa đi vừa điện thoại… Từ mộ thầy Phát sang mộ thầy Phụng cách nhau khoảng hơn 1 km…Mặc dù có vất vả dưới cái nắng, cái nóng của gió Lào nhưng cuối cùng chúng tôi cũng tìm được mộ các thầy, nơi mà các thầy vĩnh viễn nằm lại, nhiều người khi nghe kể việc đi tìm mộ các thầy để viếng ai cũng khen chúng tôi giỏi, vì ở nghĩa trang nầy chỉ cần sau 6 tháng là biết bao nhiêu sự thay đổi, ngay cả người nhà cũng khó tìm ra mộ người thân huống gì anh em chúng tôi là lần đầu tiên đến nghĩa trang nầy.




II. Sáng sớm Chủ Nhật, anh Đỗ Xuân Khẩn tiếp tục đưa chúng tôi đi Huế, ngoài Nguyễn Thị Vân K6, Lê Thị Lương K6, Mỹ Hạnh K6, Huỳnh Ngọc Dẫn, bạn Khẩn và tôi, còn có Nguyễn Thị Hường K6, năm 75 gia đình Hường đi kinh tế mới ở Tây nguyên, sau này chị theo chồng về Kỳ Hà, Chu Lai- Quảng nam, chị vừa mới ra Đà Nẵng đêm qua, sau 38 năm chị Hường mới gặp lại chúng tôi, khi biết anh em chúng tôi đi viếng mộ thầy Trương Văn Phó chị xin được cùng đi, trên đường đi chúng tôi liên hệ với Thủy Tiên con thầy Phó hiện ngụ tại Saigon, Thủy Tiên cho chúng tôi số phôn chú Tẩu - em ruột thầy Phó - hiện ở Huế, khi chúng tôi đến số 98 đường Nguyễn Phúc Nguyên - Huế, anh Tẩu đón chúng tôi và đưa chúng tôi vào thăm mẹ của thầy và thắp nhang cho thầy tại nhà thờ trước khi ra mộ, mẹ thầy hiện già yếu phải nằm 1 chỗ, khi nghe chúng tôi đến, cụ bà ngồi dậy chào chúng tôi, thầy còn người em gái tật nguyền phải đi lại trên chiếc xe lăn, nhìn hoàn cảnh mẹ già, em tật nguyền làm chúng tôi xót xa trong lòng.





Mộ của thầy cách chùa Thiên Mụ chừng 6-700 mét. Rất may hôm nay trời ở Huế mát mẻ, không nắng gắt như mọi hôm nên chúng tôi có dịp viếng mộ lâu hơn.





Trong sâu lắng mỗi khi thắp nén nhang lên phần mộ các thầy, hình như trong lòng mỗi người có một tâm trạng riêng, một cảm xúc riêng, nhưng tất cả đều có cái chung, đó là sự kính trọng và lòng biết ơn sâu xa đối với các thầy.. Mỗi lần từ giã phần mộ các thầy để ra về, chúng tôi thấy lòng xao xuyến bồi hồi, xin mượn đoạn thơ VIẾNG MỘ THẦY của NNH trên trang Lộc Vừng Tứ Qúy Thăng Hoa… để thay lời của chúng tôi.

Lơ thơ
Mấy ngọn cỏ gầy
Chiều thưa nắng
Nấm mộ thầy quạnh hiu
Lạc loài một tiếng chim kêu
Đồi hoang gió bạt
Liêu xiêu nỗi niềm…


TN K6


Xin mời quý thầy cô, anh chi xem thêm hình ảnh trong SLIDESHOW I
SLIDESHOW II

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét