NGHẸN VỚI "TRĂNG NGHẸN" CỦA HOÀI TƯỜNG PHONG
Tôi gặp "Trăng nghẹn" của Hoài Tường Phong từ năm 2010. Từ đó, bài thơ đã âm thầm bước vào sinh hoạt tinh thần của tôi. Để rồi, ở hoàn cảnh này, một câu thơ hiện lên da diết, ở hoàn cảnh kia, một vài câu cứ giăng tơ rối rắm trong lòng tôi. Và cũng có lúc ngồi với học trò của mình, khi thì chiêm nghiệm một câu thơ, khi thì để cho bài thơ xát lòng thổn thức. Có anh bạn đồng nghiệp biết chuyện, bảo tôi sao liều thế. Bài thơ này khi chấm và trao giải “Cuộc thi thơ Đồng Bằng sông Cửu Long 2009” đã thậm thòi thậm thụt nhiêu khê lắm lắm. Giải đã công bố rồi mà yêu cầu rút giải, từ chối giải rối bời lên! Tôi bảo, mặc kệ chuyện giải, chuyện giếc, mình thấy có văn bản nào cấm đâu, cho nên thích là đem thơ vào những giây phút tâm tình. Âu đó cũng là bệnh của người dạy văn. “Đánh chết cái nết không chừa”!
Lại có một người bạn khác hỏi tôi, ông thích gì ở "Trăng nghẹn" ? Tôi bảo, không biết. Thằng dạy văn như mình hay đem trực giác mà cảm thụ văn chương. Cho nên, ông hỏi thì mình chỉ biết trả lời: Thích bởi vì thích thế thôi. Rồi khi ngồi đối bóng mình trong phòng văn yên tĩnh, tôi cảm thấy lòng nghẹn với "Trăng nghẹn" của Hoài Tường Phong.
Thực lòng mà nói, tôi thích bởi bài thơ ít nhiều nói hộ lòng tôi. Ngay từ những câu thơ đầu, tôi đã thực sự xúc cảm. Tôi cảm giác nhà thơ dành những câu thơ đầu này cho tôi !
Mẹ sinh tôi vào một đêm rằm mưa gió ngày xưa,
Lúc chào đời đã lỡ hẹn cùng vầng trăng viên mãn.
Lúc chào đời đã lỡ hẹn cùng vầng trăng viên mãn.
Những câu thơ gợi tôi nhớ về tuổi nhỏ của mình. Khi tôi lớn lên trong căn nhà trống vắng bóng hình người cha, có những đêm mưa gió, dưới bóng đèn hiu hắt, mẹ tôi to nhỏ về ngày tôi khóc chào đời. Cái ngày ấy mưa gió ào ạt, nước lụt trắng đồng, trắng cả xóm làng. Mẹ sinh con trên rú. Niềm vui con chào đời hòa với nỗi lo cái ngày mai… Từ đó tôi đã biết mình cũng “lỡ hẹn với vầng trăng viên mãn”. Và rồi :
Tôi lớn trong quê mùa như cây tạp vườn hoang,
Bảy tuổi biết leo lưng trâu, không từng ngồi xe đạp.
Không biết lời bải buôi để mua lòng người khác,
Nên thua thiệt cả đời vì không thể dối lừa ai.
Bảy tuổi biết leo lưng trâu, không từng ngồi xe đạp.
Không biết lời bải buôi để mua lòng người khác,
Nên thua thiệt cả đời vì không thể dối lừa ai.
Rồi chiến tranh. Tôi ngậm ngùi một thân rời quê khi vừa giã từ tuổi chân sáo đến trường. Giữa phố thị nhuốm màu chiến tranh, tôi cứ ngỡ những vết bùn đất quê trong tôi không còn nữa. Tôi tưởng tôi đang khoác chiếc áo thị thành, đang học làm người “văn minh”, nhưng kì thực cũng chỉ lóng ngóng giữa chợ đời huyên náo như Hoài Tường Phong :
Ngơ ngác buổi ra thành, trước cuộc sống đua chen,
Mười năm sau chưa gội rửa cho mình thành dân chợ.
Lớp phèn hết bám chân, nhưng chất chân quê còn đó,
Mười năm sau chưa gội rửa cho mình thành dân chợ.
Lớp phèn hết bám chân, nhưng chất chân quê còn đó,
Cũng “Tưởng tôi thoát kiếp ngài, nhởn nhơ hóa bướm”, hóa ra tôi chỉ là một kẻ chân quê. Tôi đi về giữa chốn phồn hoa mà lòng hoài nhớ “bè bạn một thuở chăn trâu”. Tôi vẫn không quên đám bạn quê mùa của mình. Tôi cứ thèm thuồng được sống lại với đám bạn xưa hồn nhiên, khi tung tăng trên đường quê rợp bóng tre cán giáo, khi cưỡi trâu ra đồng cắm trại giữa cồn cao vào những ngày hè, khi lên rú độn hái trâm bầu, hái móc, hái sim, khi thì hai bàn tay đen nhẻm, chuyền củ sắn, củ khoai nướng từ tay này sang tay kia, mắt ánh lên niềm sướng khoái vô biên… Để rồi, những lúc đối diện với chính mình, tôi vẫn thấy mình chưa lớn, vẫn lo mệt nhoài chuyện cơm áo tương lai. Những lúc ấy, bây giờ nhìn lại, tôi bỗng thấy mình qua câu thơ đầy tính nội tỉnh trách thân. Tôi đã ảo tưởng : “Cộng một chút phù hoa đâu thêm lớn tâm hồn” !
Rồi thời gian… Tôi làm người lớn. Tôi tưởng mình bình yên trong công việc, trong câu văn mình dạy. Tôi tưởng tôi an nhiên giữa cuộc đời. Lúc này tôi mới về thăm quê. Quê tôi đã mới hơn, nhưng cũng mất ít nhiều nếp cũ có tính truyền thống. Nhưng khi đọc những câu thơ của Hoài Tường Phong, tôi mới thấy tôi còn hạnh phúc giữa quê mình. Còn nhà thơ thì cứ trở hồn theo nhức nhối :
Đồng bằng quê hương tôi nhiều cái nhất ngậm ngùi:
Sản lượng lúa nhiều, vùng cá ba sa lớn nhất,
Đầu tư văn hóa thấp và khó nghèo cũng nhất,
Và cũng dẫn đầu, những cô gái lấy chồng xa.
Sản lượng lúa nhiều, vùng cá ba sa lớn nhất,
Đầu tư văn hóa thấp và khó nghèo cũng nhất,
Và cũng dẫn đầu, những cô gái lấy chồng xa.
Và tôi cảm thấy mình “bị” nhà thơ thôi miên đẩy vào sống giữa tâm trạng xa xót, nghẹn ngào thương quê :
Tôi chợt nhớ lần lỗi hẹn đầu đời, trăng cũ,
Vầng trăng nghẹn hoài, chưa tỏa sáng một vùng quê.
Đến đây, không hiểu bạn tôi đã hết hỏi, có gì mà thích chưa ? Tôi nghĩ hết hay chưa là quyền của bạn. Riêng tôi, tôi đã nói những điều rất thật về cảm xúc của tôi và về bài thơ của vẻ đẹp sự thật tâm hồn Hoài Tường Phong.
Thầy Hoàng Dục
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét