Chủ Nhật, 18 tháng 11, 2012

NGƯỜI THẦY - TỪNG SỢI TÓC BẠC MÀU TRUÂN CHUYÊN

Nhân Ngày Nhà Giáo Việt Nam 20.11, chúng tôi xin giới thiệu bài " NGƯỜI THẦY - TỪNG SỢI TÓC BẠC MÀU TRUÂN CHUYÊN " của thầy Hoàng Dục nguyên giáo viên trường Đông giang - Hoàng Hoa Thám sau 75.

NGƯỜI THẦY - TỪNG SỢI TÓC BẠC MÀU TRUÂN CHUYÊN


Nhiều khi ngồi giữa phòng sách, chung quanh không một ai, mình bỗng tưởng mình là một lão triết gia.
Không triết gia sao được khi khuôn mặt cứ trầm tư, đôi mắt giăng mắc ngang dọc những sợi suy tư, vầng trán lồi lõm những đường rãnh ưu tư, đôi môi bặm lại đến tím tái vì “bất khả tư nghì” mặc dầu “như thị ngã văn” lắm lắm chuyện đời, tấm thân chỉ một tư thế bất động nhưng xem ra tư duy không “tư vô tà” chút nào. Ngoại hình là như thế, còn tâm giới thì tư tưởng này xẹt qua như sao băng, tư tưởng kia chớp lóa như ánh sét, có khi tư và tưởng va đập vào nhau tạo nên “ánh hồ quang” trí tuệ, tưởng chừng chạm được vào bản thể của sự vật hiện tượng nhưng hóa ra lại lạc lối trong cõi u minh của tâm hồn. Vậy là, nói theo kiểu triết học, xét đến cùng, mình chỉ là một lão triết gàn thôi.
Lão triết gàn hay lão gàn nói chuyện triết cũng thế… là rất đúng với mình. Nhiều khi mình cứ đem những chuyện không đâu vào cái đầu bé tẹo, bắt trí óc phải cật lực chẻ vấn đề ra, lật ngược lật xuôi, săm soi đi tìm bản chất của nó là gì. Nhưng rồi, mọi chuyện cứ “gió theo lối gió, mây đường mây”, chẳng đâu vào đâu, chẳng phải “đầu Ngô” cũng không “mình Sở” gì cả. Chẳng hạn như, đã rất nhiều lần mình tự dặn lòng phải biết vâng lời các triết gia : “Đừng hoài nghi con người”, nhưng lại cứ hồ đồ về con người! Mình cứ như gà mắc tóc, loay hoay về cái gọi là lí trí và tình cảm của con người. Trong mối quan hệ giữa lí trí và tình cảm của con người, mình cho đó là một cặp mâu thuẫn, có khi mình nghĩ cả hai thống nhất với nhau, có lúc lại cho rằng lí trí đứng trên, đứng ngoài, chế ngự rồi “cười cợt” với tình cảm; lại có lúc quay ngược ý nghĩ, không, tình cảm luôn “ngạo nghễ” trước lí trí vì cao cả hơn,… Và cũng nghĩ, trong một con người, có lúc bề ngoài rất tình cảm nhưng bên trong lại rất lí trí, có lúc bên ngoài lạnh lùng nhưng bên trong lại rất thiết tha… Nhưng rồi chất vấn mình : có khi nào cả hai đang diễn trò, cái này là “mặt nạ” của cái kia không ?… Rồi từ đó lan man, gàn dở mà bảo : cái giả, cái thật trong văn hóa ứng xử, trong lối sống của con người phần nào đó là do trạng thái không cân bằng giữa lí trí và tình cảm này. Không biết đó có phải là do mình võ đoán không, dù võ đoán có là một kiểu tư duy mang màu sắc triết học đi nữa ? Nhưng nghĩ lại, nhìn bản thân mình với sự thật từ sự trải nghiệm thì xem chừng võ đoán ấy cũng có cái lí của nó. Vậy thì mình sẽ lấy mình làm cứ liệu để làm sáng rõ cái suy tư mang màu sắc “triết học” của một lão gàn nói trên.

Nói vậy thôi. Ai lại trưng sự thật đời mình lên trang giấy. Thói thường người ta “tốt thì khoe, xấu thì che”, càng khoe nhiều thì càng tốt mã, càng che nhiều thì càng ấm lưng! Đang lúng túng, giằng co giữa nên và không nên, may mắn thay mình tìm được một bài thơ ưng ý, đó là bài thơ “Xin lỗi các em” của Trần Ngọc Hưởng. Mình không ơ-rê-ka gì cả mà rất mừng, vội vàng trưng ra đây làm cứ liệu cho giả định của mình đã nêu trên.



     XIN LỖI CÁC EM

Tôi đâu phải người làm nông
Cày xong đánh giấc say nồng một hơi
Chuông reo tan buổi dạy rồi
Còn nghe ray rứt nỗi đời chưa yên.

Trách mình đứng trước các em
Dửng dưng cả tiếng hồn nhiên gọi: Thầy!
Rụng dần theo bụi phấn bay
Ước mơ một thuở căng đầy tuổi xanh

Dẫu là lời giảng của mình
Cơn ho chợt đến vô tình cắt ngang
Dẫu là tiết học vừa tan
Bước qua cửa lớp đôi lần hụt hơi!

Hiểu dùm tôi các em ơi
Giấu bao ám ảnh khôn nguôi từng giờ
Cảnh đời chộn rộn bán mua
Áo cơm nào dễ chi đùa với ai.

Vờ quên cuộc sống bên ngoài
Nhiều điều xa lạ nói hoài riết quen
Dở hay, yêu ghét, trắng đen
Còn bao sự thật đã nhìn thẳng đâu

Ai còn dằn vặt đêm sâu
Trong từng sợi tóc bạc màu truân chuyên
Thật lòng tạ lỗi các em
Hiểu ra khi đã lớn lên mai này!

Trần Ngọc Hưởng

Bài thơ nén chặt những suy tư dằn vặt của người viết. Để rồi, khi đọc thơ mình thấy rõ mình trong câu chữ như lẫy ra từ tâm tình chân thật của tác giả. Cả một đời đi dạy, mình chưa bao giờ có được tâm trạng “cày xong đánh giấc say nồng một hơi” như anh nông dân. Dù mình cũng như nhà thơ từ ruộng đồng mà lớn lên, từ lũy tre làng mà bước vào phố thị, nhưng đang sống với một thân phận khác – người dạy học. Vì thế mà :
Chuông reo tan buổi dạy rồi
Còn nghe ray rứt nỗi đời chưa yên
Người ta hay nói về những trăn trở của người thầy, làm thế nào có trang giáo án đẹp để đạt được hiệu quả cao nhất trong diễn trình truyền thụ kiến thức, dạy chữ cho học sinh, hay là làm thế nào để thực sự sống có nhân cách nhằm hình thành ý thức làm người cho học trò. Người ta bàn nhiều thứ lắm, nhưng hình như ít ai nói đến hay phơi trải sự thật của tâm hồn mình như Trần Ngọc Hưởng. Người thầy ấy lên lớp với một cung cách khác, với cái áo khoác đạo đức, với cái vỏ bọc mô phạm. Tất cả chỉ để che đậy một tâm tình đang khô cạn : “Dửng dưng cả tiếng hồn nhiên gọi : Thầy!” hay một ước mơ đang lụi tàn :
Rụng dần theo bụi phấn bay
Ước mơ một thuở căng đầy tuổi xanh
Tại sao vậy ? Người thầy trong thơ giải trình lí do với giọng chua xót pha lẫn van nài :
Hiểu dùm tôi các em ơi
Giấu bao ám ảnh khôn nguôi từng giờ
Cảnh đời chộn rộn bán mua
Áo cơm nào dễ chi đùa với ai.
Những câu thơ ấy đâu chỉ là niềm riêng của nhà thơ mà đó cũng là tâm trạng của mình nữa. Một thời, mình đã hững hờ với phấn trắng bảng đen. Đó là thời điểm vừa mới xuống núi. Lúc ấy ngoài những giờ lên lớp mình đã đi học và làm thợ vàng với đứa cháu. Hành động ấy không đơn giản là kiếm thêm thu nhập mà với ý nghĩ mình sẽ bỏ nghề nếu trụ được với nghề kim hoàn. Thế rồi, mình lên lớp trong cái vỏ bọc người đam mê nghề nghiệp, mình cố vứt bỏ, đúng hơn cố giấu sự mệt mỏi, tâm trạng chán nản, “giấu bao ám ảnh khôn nguôi từng giờ”. Cứ như thế, mình đã hình thành cho mình một thói quen “vô cảm” có ý thức, một kiểu vô cảm rất lí trí :
Vờ quên cuộc sống bên ngoài
Nhiều điều xa lạ nói rồi riết quen
Cả một chuỗi dài ngày tháng đem lí trí ra sống với nghề, không lấy tình cảm mà ứng xử dạy học, giao tiếp với các em học sinh. Phải chăng như thế là mình đã không thật với nghề với học trò, mình đang sống giả trước một nghề nghiệp thật, trước những con người cần sự thật để sống đẹp ở đời. Và cũng từ đó, mình không còn phân biệt được trắng đen nữa. Làm sao mà phân biệt được khi người ta không thật tâm với nghề, với công việc, với chính mình, để rồi :
Dở hay, yêu ghét, trắng đen
Còn bao sự thật đã nhìn thẳng đâu
Do đó, mình cũng như nhà thơ, nhiều khi không còn làm chủ được mình, không còn sự thanh thản của tâm hồn :
Dẫu là lời giảng của mình
Cơn ho chợt đến vô tình cắt ngang
Dẫu là tiết học vừa tan
Bước qua cửa lớp đôi lần hụt hơi!
Phải chăng đó là cách sống hai mặt, giả hình của mình – của người thầy giáo. Lối sống ấy không chỉ là do bị “áo cơm ghì sát đất”, làm cho xói mòn nhân cách, mà còn do bản thân không nhân cách, không bản lĩnh! May thay mình chỉ kéo dài lối sống ấy chỉ một thời gian vài tháng, nếu không thì đã tự đấm ngực thùm thụp rồi cất tiếng than thống thiết đầy sám hối : đời ta đã hỏng mất rồi, hay ta là một kẻ khốn nạn, chỉ là một kẻ bất lương như hình tượng văn sĩ Hộ trong truyện ngắn “Đời thừa” của Nam Cao.
Bài thơ “Xin lỗi các em” có thể xem là một bản trần tình rất chân thật của một người thầy muốn sống đúng sống đẹp với nghề nhưng đành bất lực. Riêng, nếu xem nó là một tư liệu văn học nhằm làm sáng tỏ luận đề “triết học” cái giả thật trong một con người thì không biết đã có sức thuyết phục chưa. Mình không mong mọi người tin giả thiết “triết học” của mình, chỉ mong mọi người chia sẻ và thông cảm với hành vi đáng xấu hổ của mình của cái thời vừa xuống núi đã thưa thốt ở trên thôi. Đấy là cái thời :
Trách mình đứng trước các em
Dửng dưng cả tiếng hồn nhiên gọi: Thầy!
Rụng dần theo bụi phấn bay
Ước mơ một thuở căng đầy tuổi xanh
Để khép lại bài viết, mình mong nhà thơ Trần Ngọc Hưởng thông cảm. Xin đừng trách cứ :
Thơ là thơ của người ta
Anh đem bình luận như là thơ anh.
Hãy xem những gì đã viết trên là lời của một tấm lòng đồng điệu.

Thầy Hoàng Dục
     

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét