Thứ Sáu, 8 tháng 2, 2013

PHIẾM LUẬN VỀ RẮN tiếp theo


Ðặc điểm quan trọng khác của rắn là tài đánh hơi. Tuy rắn có lỗ mũi nhưng được dùng để thở hơn là đánh hơi. Sở dĩ rắn nhạy hơi là nhờ một cơ cấu đặc biệt gọi là cơ quan Jacobson gồm hai rãnh nhỏ nằm ở hàm trên. Cơ quan này có nhiều thần kinh nhỏ nối với phần não bộ chuyên về khứu giác. Khi rắn le lưỡi qua lại trước mặt, những phân tử”mùi hơi" của mục tiêu sẽ được hút v ào lưỡi rồi truyền đến cơ quan Jacobson lên tới óc.
Thị giác của rắn cũng khá tinh, nhưng chỉ phân biệt rõ ràng khi đối tượng di động hoặc đổi chỗ. Có người cho rằng rắn "không bao giờ ngủ" vì lúc nào cũng mở mắt. Ðiều này không đúng. Rắn có ngủ nhưng mắt vẫn mở vì không có mí mắt để khép lại. Tuy rất khó quan sát, nhưng ta có thể biết rắn ngủ khi thấy đồng tử thu nhỏ lại, hoặc dấu đầu vào khúc mình rắn khoanh tròn. Một phương pháp nữa là khoa tay trước mắt rắn; nếu không thấy mắt di chuyển và lưỡi thè ra là lúc rắn đang ngủ. Thính giác của rắn coi như không được bén nhạy vì không có vành tai để âm thanh dội lại.

Các nội tạng của rắn đều dài theo thân mình. Gan rắn dài nhưng không chia ra từng miếng, mật rắn nằm giữa bao tử và ruột. Phổi trái tương đối nhỏ trong khi phổi phải lại rất dài vì chứa những túi dự trữ dưỡng khí giúp rắn không cần thở trong lúc bận nuốt mồi lớn.
Ðại đa số rắn thường đẻ trứng. Trứng rắn hình bầu dục. Sau khi thụ tinh chừng hai tháng, rắn đẻ trứng, vỏ mềm tại nơi có nhiệt độ và ẩm độ thích hợp. Trứng nở trong vòng từ 4 đến 12 tuần lễ tùy theo loại rắn, trong thời gian này, trứng phồng lớn. Rắn con dùng răng tự cắn vỏ trứng để chui ra ngoài. Trăn cái ấp trứng bằng cách truyền thân nhiệt qua trứng. Nhiều giống rắn sinh sống tại vùng lạnh, trên cây hoặc dưới nước không đẻ trứng mà giữ trong mình cho tới khi nở rồi đẻ ra con.
Ðặc biệt có loại rắn "Brahminy Blind Snake" được gọi là "parthenogenic" nghĩa là "toàn cái". Loại rắn này đẻ trứng không có giống đực, sau nở ra toàn rắn cái. Có loại rắn cái không cần "chịu đực" mỗi lần đẻ trứng mà vẫn sinh con. Lý do vì loại rắn này có thể "giữ" tinh trùng đực lâu đến bảy năm! Khi đẻ trứng, rắn cái chỉ cần dùng lại tinh trùng cũ mà không cần tới rắn đực! Rắn con ngay từ lúc mới nở đã phải tự lực cánh sinh, săn mồi và tự vệ vì rắn bố và mẹ không ở bên cạnh để săn sóc. Trong vòng một năm rắn tới tuổi trưởng thành.
Hình dạng và màu sắc không những dùng để phân biệt chủng giống mà nhiều khi còn cho biết môi trường sinh sống của rắn. Con trăn rừng dài nhất đo được 33 feet. Con trăn nước (green anaconda) dài nhất bị bắt tại Brasil dài 18 thước 9. Những loại trăn lớn này di chuyển nặng nề, cần ăn nhiều nên chỉ sống tại những nơi dễ kiếm mồi lớn. Ngoài ra, vì là loài "máu lạnh" nên rắn cần môi trường bên ngoài để hâm nóng thân thể tới nhiệt độ thích hợp mới có thể hoạt động được. Do đó, những loại trăn, rắn lớn chỉ sống tại vùng nhiệt đới.
Rắn cũng có nhiều màu sắc khác nhau để có thể "ngụy trang" hoặc thu hút và bảo vệ thân nhiệt tùy theo môi trường sinh sống. Nhiều loại rắn còn đổi màu khi tăng trưởng. Vẩy rắn thật ra chỉ là những chỗ da dầy và cứng hơn những chỗ khác, vì vậy vẩy cũng chính là da rắn. Sự cấu tạo này khác với vẩy cá có thể tách rời khỏi da. Vẩy rắn được dùng như lớp giáp để che chở thân rắn khi trườn cũng như để tự vệ. Trong vẩy rắn có hạch đặc biệt làm thành màu sắc của rắn. Thật ra. vảy rắn gồm hai lớp, phân cách bằng một lớp tế bào mỏng, trong suốt. Rắn còn nhỏ thường lột da nhiều hơn rắn lớn để thân thể tăng trưởng. Rắn cái thường lột da trước khi đẻ trứng hoặc đẻ con. Rắn bị thương cũng lột da thường xuyên để tự chữa.

Rắn thường ăn các động vật khác, nhưng vì không có tay chân nên phải nuốt trọn con mồi. Hàm rắn có thể tạm thời di chuyển, da rất đàn hồi để có thể nuốt mồi lớn hơn đầu. Nhiều trăn, rắn lớn có thể nuốt trọn con nai nhỏ hoặc cả cá sấu. Có rắn lại ăn cả loại rắn khác. Loại trăn thường cuốn chặt con mồi đến nghẹt thở truớc khi nuốt. Rắn độc truyền nọc độc để giết con mồi trước khi nuốt trọn.

Chúng ta thường thấy hình ảnh "phù thủy rắn" là ông già Ấn Ðộ gầy nhom, miệng thổi cây kèn sặc sỡ trước mặt một con rắn hổ nghển cổ, phùng mang, đầu đong đưa qua lại theo tiếng nhạc, trông rất ghê rợn. Những tay "thầy rắn" này được người Tây Phương mệnh danh la "Snake Charmers". Tuy màn trình diễn trông có vẻ nguy hiểm, nhưng có nhiều giả tạo trong đó. Trước nhất là tiếng kèn rên rỉ và đầu rắn đong đưa theo điệu nhạc như khiêu vũ. Thật ra, rắn không nghe được tiếng nhạc nên biết đâu mà "nhảy"? Rắn chỉ theo dõi những di động của cây kèn sặc sỡ hoặc của chính ông thày rắn trong tư thế chuẩn bị tấn công. Ðầu rắn ngóc cao, mang bạnh lớn, đầu đảo qua lại, mắt theo dõi những di động của cây kèn như bị thôi miên vì rắn coi cây kèn như địch thủ. Các thày rắn thường dùng loại rắn hổ mang "đeo kính" (naja naja) rất dài, đôi khi tới 20 feet, mang bạnh ra trông rất dữ dằn. Tuy nhiên, để giảm bớt nguy hiểm, có thể rắn đã được "ngâm lạnh" hoặc cho ăn thật no để tở nên chậm chạp, hoặc đã bị nhổ mất nanh độc hay khâu miệng. Do đó, nhiều tay thầy rắn còn nhảy chung với rắn, hôn rắn hoặc ngậm cả đầu rắn vào trong miệng. Tuy đã bị "giải độc" nhưng cứ nhìn những con rắn đeo kính" này "phùng mang múa mỏ" lắc lư theo điệu kèn rền rĩ của các tay “fakir” cũng đã đủ ớn phải không qúi vị?
Sau đây là vài chuyện khó tin nhưng có thật về rắn.
Người Cắn Răn: Vào khoảng tháng 5/1997, anh Valentin Grimalo đang buớc bên lề cỏ dọc theo xa lộ tại thị xã Edinburg thì bị một con rắn cắn. Lập tức, Valentin nắm lấy con rắn, dùng miệng cắn đứt đầu rắn rồi lột da dùng làm giây cột bên trên vết thương để nọc độc không truyền vào tim. Theo tờ báo Beaver County Times, sau đó có người lái xe chở anh tới bệnh viện chữa trị. Anh hoàn toàn bình phục.
Rắn Bắn Chết Người: Ch ỉ có người đi săn, giết rắn, làm sao rắn có thể bắn chết người? Thế mà vài năm trước đây tại Iran, có một anh thợ săn bị rắn bắn chết bằng "shotgun". Bạn anh thợ săn cho biết: nạn nhân toan bắt sống một con rắn bằng cách dùng báng súng đè đầu rắn xuống khiến mình rắn co lại, cuốn quanh báng súng. Chẳng may đuôi rắn cuốn trúng cò khiến súng khai hỏa trúng đầu anh thợ săn.
Hẩu Xực: Ðây là chuyện hoàn toàn có thật. Vào năm 1973, một người đàn ông 42 tuổi tại Trung Hoa cho biết anh đã ăn chừng 10,000 con rắn sống trong vòng hai thập niên. Anh cho biết nếu bữa nào không "xực" ít nhất một con rắn thì cảm thấy rất buồn bực, khó chịu. Ăn nhiều rắn như vậy, chắc cuộc đời anh ta "lên hương" lắm? Không đúng như vậy, vì chẳng một bà hay cô nào giám lại gần tay "xực" rắn này, nên suốt đời anh ta mồ côi vợ. Chắc không có cô nào chịu nổi khi được anh mời về nhà ăn bữa tiệc rắn đầu tiên.
Tiếp theo là một số ngộ nhận về rắn.
- Rắn nào cũng nguy hiểm: ngược lại, đa số rắn đều vô hại. - Rắn không biết ngửi: tuy rắn không thính mũi, nhưng "khứu giác" quan trọng hơn là lưỡi và cơ quan Jacobson. - Rắn thường trơn trợt: rắn trông bóng láng nhưng thật ra da rắn rất khô và ấm. - Vẩy rắn dùng để giữ thân nhiệt: đúng ra, vẩy rắn không thấm nước, dùng để giữ độ ẩm khiến rắn không bị chết khô ngoài nắng. - Rắn có khả năng thôi miên: rắn chỉ nhìn trừng trừng khiến người và vật sợ hãi. - Thân rắn lạnh: tuy thuộc loài máu l ạnh nhưng thật ra, rắn có thể giữ thân nhiệt rất cao, đến hàng trăm độ F. Nhưng rắn không thể tự sinh ra thân nhiệt như con người mà hải nhờ tới môi ytrường bên ngoài. - Vẩy rắn rất dầy và nặng: đúng ra. vẩy rắn rất mỏng như giấy. - Rắn rất dữ: ngược lại, rắn rất nhát, chỉ tấn công khi bị bắt buộc. - Rắn không có xương sống: rắn có khoảng 300 đốt xương sống và xương sườn. Con người chỉ có 33 hay 34 xương sườn.
Tới đây xin kể một số kỷ lục về rắn.
- Rắn ngắn nhất: loại rắn "kim" tại vùng đảo St. Lucia, Martinique, Barbados, chỉ dài khoảng 10 phân. - Rắn già nhất: con trăn đực tên "Popeye" chết năm 1977 tại sở thú Philadelphia, già 40 năm 3 tháng 10 ngày. - Rắn nhanh nhất: rắn hổ Phi Châu có thể di chuyển 14 - 19 km một giờ. - Rắn độc nhất: rắn biển giống Hydrophis Belcheri có nọc độc mạnh gấp hàng trăm lần rắn độc thông thường. Giống rắn đất độc nhất là rắn hổ Úc Ðại Lợi. - Rắn dài nhất: trăn dài 10 thước bị giết tại đảo Celebes, Nam Dương vào năm 1912. Rắn độc dài nhất là loại rắn hổ vùng Ðông Nam Á đo được 5 thuớc 71 tại sở thú Luân Ðôn. - Rắn nặng nhất: trăn nước Nam Mỹ và Trinidad. Kỷ lục nặng khoảng 500 lbs, dài chừng 9 thước.

Ngay từ thời Thượng Cổ, đã có nhiều tương quan và huyền thoại giữa người và rắn, có lẽ vì hình dạng dài và uyển chuyển của rắn được coi như xương và tủy sống là trung tâm của mọi hoạt động của con người. Gần đây, nhà phân tâm học nổi tiếng Karl Jung của Thụy Sĩ cũng phân tách rằng rắn với nhiều điều kỳ bí là biểu tượng của vô thức con người. Những nhà khảo cổ tìm thấy nhiều hình dáng "uốn éo" giống như rắn trong nhiều hình vẽ, tượng hoặc đồ gốm thời cổ. Nhiều hình vẽ con rắn khổng lồ cuốn quanh cả vũ trụ, dưới gốc cây hay khoanh tròn trên bụng đàn bà chửa, tượng trưng cho oai lực tạo nguồn sống cũng như bất tử. Rắn cũng chui ra từ trong hang dưới đất nên nhiều khi còn được coi là sinh vật của âm giới. Hình ảnh rắn ngậm đuôi trong miệng và lột da cũng tượng trưng cho sự tái sinh và trường thọ. Vì vậy, loài người đã sùng bái và thờ rắn từ lâu.
Người vùng Babylon và Ai Cập có nhiều tranh vẽ hoặc tượng những vũ công nhảy múa trong các buổi tế lễ theo dáng di chuyển của rắn. Người vùng Sumer tin tưởng rắn là thần vật bảo vệ "trục vũ trụ". Dân Ba Tư thờ thần rắn biết bay trên trới tên Azhi Dahaka, được coi như thần sáng tạo những trăng sao trên trời. Tưởng cũng nên nói người Âu Châu thời cổ sắp chung rồng và rắn vào cùng một loại trong đó rồng là một loại "rắn" sống trên trời, có cánh biết bay. Tên "dragon" tức là rồng bắt nguồn từ Hy Lạp chữ "drakon" có nghĩa là rắn.

( còn tiếp )

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét